Thứ Năm, 28/11/2024 16:39 (GMT +7)

Trung Quốc ủng hộ sự hội nhập của ASEAN

Thứ 4, 25/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Ngày 24/11, Trung Quốc hoan nghênh việc thành lập Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời cam kết ủng hộ sự hội nhập của ASEAN.


Phát biểu trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đưa ra khi trả lời câu hỏi liên quan đến Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về Thành lập Cộng đồng ASEAN.Quan chức Trung Quốc miêu tả Cộng đồng ASEAN là bước ngoặt trong quá trình hội nhập của hiệp hội này, đồng thời nhấn mạnh cộng đồng tiểu khu vực đầu tiên này ở châu Á đánh dấu một giai đoạn hợp tác khu vực ở tầm cao mới.

Ông Hồng Lỗi khẳng định Trung Quốc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong hoạt động hợp tác khu vực, cam kết chung sức với các quốc gia ASEAN để tăng cường sự tin cậy chính trị, hợp tác thương mại và văn hóa nhằm thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc-ASEAN cùng chung vận mệnh gắn bó hơn.

Ngày 22/11 vừa qua, Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về Thành lập Cộng đồng ASEAN đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27.

Theo tuyên bố này, Cộng đồng ASEAN sẽ được thành lập vào ngày 31/12 tới với 3 trụ cột gồm Cộng đồng Chính trị và An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội. Đây là dấu mốc lịch sử về sự hội nhập của ASEAN.

AEC giúp GDP của Singapore tăng mạnh

Theo nhận định của giới phân tích tại Singapore, việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 31/12 năm nay nhiều khả năng sẽ tạo ra động lực lớn cho nền kinh tế “đảo quốc Sư tử”.

Phóng viên TTXVN tại Singapore ngày 24/11 dẫn nhận định của Giám đốc điều hành HSBC Singapore Guy Harvey-Samuel cho rằng nếu AEC được triển khai tốt, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore sẽ tăng 9,5% vào năm 2030 so với việc nếu cộng đồng này không được thành lập.

Tuy nhiên, tác động của AEC đối với các doanh nghiệp Singapore nhiều khả năng sẽ chậm. Giải thích về vấn đề này, ông Glenn Maguire, trưởng kinh tế gia khu vực Nam Á, ASEAN và Thái Bình Dương của ANZ Research, cho rằng nguyên nhân là bởi các nhà lãnh đạo ASEAN đã đặt mục tiêu rằng AEC sẽ chỉ hoạt động đầy đủ vào năm 2025.

Ông Maguire nhận định tác động ngắn hạn của AEC là sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Singapore chuyển việc sản xuất hàng hóa giá trị thấp sang những nước có nhân công giá rẻ. Theo đó, việc thành lập AEC sẽ giúp có nhận thức lớn hơn về cơ hội mở rộng doanh nghiệp ra nước ngoài, cũng như mang lại tiêu chuẩn hóa về thủ tục hải quan, giúp hàng hóa luân chuyển dễ dàng hơn cũng như khuyến khích thúc đẩy quá trình sản xuất thuê ngoài (outsource) sang các nước khác.

Ngoài ra, với môi trường tăng trưởng thấp hiện tại, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm cách tăng tỉ suất lợi nhuận như phương tiện để bảo vệ kết quả kinh doanh sau thuế của mình, qua đó sẽ thúc đẩy họ tận dụng AEC. Một số doanh nghiệp may mặc tại Singapore nhiều khả năng sẽ chuyển dây chuyền sản xuất sang các nền kinh tế Mekong như Việt Nam và Thái Lan, do giá lao động rẻ hơn tại đây.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử sẽ chuyển sang Malaysia. Ông Guy Harvey-Samuel cho rằng việc thành lập AEC cũng sẽ giúp tăng cường hoạt động lưu chuyển dịch vụ và đầu tư qua biên giới, qua đó mở rộng sản phẩm tài chính và dịch vụ trong khu vực, và củng cố hơn nữa vị thế trung tâm tài chính của Singapore.

Còn theo ông Maguire, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giá trị cao như dược phẩm và máy tính ở Singapore sẽ ít chịu tác động từ AEC, do chất lượng lực lượng lao động và việc bảo vệ tài sản trí tuệ tốt hơn tại đây.

Theo đánh giá chung, tốc độ doanh nghiệp Singapore chuyển hoạt động ra nước ngoài sẽ tăng nhẹ trong hai năm tiếp theo và tăng tốc vào năm 2018 và 2020. Với việc có thêm nhiều chính sách về tự do lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ được thực hiện, các doanh nghiệp còn lại sẽ có thêm động lực để mở rộng ra nước ngoài.

TTXVN/Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu