Thứ Tư, 27/11/2024 17:49 (GMT +7)

Trung thu 2015: Tìm về những giá trị truyền thống

Thứ 5, 17/09/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Tết Trung thu là một trong những ngày lễ được người dân Việt Nam chờ đón vào tháng tám hàng năm, nhất là với trẻ em. Vào dịp này, trẻ em từ thành thị đến nông thôn đều được cha mẹ mua bánh kẹo, lồng đèn và đồ chơi để vui ngày hội đón trăng. Cùng với sự phát triển của kinh tế, giờ đây, những hoạt động chào đón Trung thu thường đến sớm hơn và kéo dài hơn (bắt đầu từ 15/7-15/8 âm lịch).
Tưởng chừng như bị lãng quên bởi sự xuất hiện ồ ạt của các loại đèn lồng Trung Quốc, vài năm gần đây, đèn lồng Việt Nam đang dần tìm lại được chỗ đứng trên thị trường với chất lượng, mẫu mã đa dạng hơn. Năm nay đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn lồng… được bày bán khá nhiều trên các khu phố chuyên bán đồ chơi trẻ em và cũng đã xuất hiện trong các siêu thị, cửa hàng.
Tiếp theo thành công của mùa Trung thu trước, một số doanh nghiệp Việt tích cực ra mắt sản phẩm lồng đèn bằng giấy, in hình công chúa, con thú, trái cây ngộ nghĩnh… với màu sắc sặc sỡ, dễ lắp ráp nên cha mẹ có thể hướng dẫn bé tự lắp ráp. Những chiếc lồng đèn này giúp các em “vừa học vừa chơi”, phát huy khả năng sáng tạo. Giá của những chiếc đèn này cũng rất phải chăng, từ 15.000 – 50.000 đồng/sản phẩm.

Chọn đồ chơi trên “Phố Lồng đèn” tại phường 11, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Chủ một cửa hàng bán đồ chơi trên phố Lương Văn Can (Hà Nội) cho biết: Năm nay, các mẫu đèn lồng truyền thống do Việt Nam sản xuất chiếm 80-90% thị trường. Các sản phẩm đèn lồng của Việt Nam đẹp, phong phú và an toàn nên được nhiều phụ huynh lựa chọn.
Có thể kể đến Dự án “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do nhóm giảng viên và sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Dự án lần đầu tiên tổ chức tại Bảo tàng đã góp phần khơi dậy tình yêu với văn hóa truyền thống; nâng cao tinh thần người Việt dùng hàng Việt. Đây cũng chính là sân chơi lành mạnh, giúp các em hình thành thói quen làm việc theo nhóm. Tham gia Dự án, các em được học cách bồi mặt nạ, sử dụng bút lông, tô màu… Bên cạnh đó, các bạn nhỏ còn được học cách phân biệt mặt nạ truyền thống của Việt Nam với mặt nạ của các quốc gia khác; tìm hiểu các loại mặt nạ sử dụng trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người Việt.

Việt Hà (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu