Tất cả chuyên mục

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị, để tự chủ đại học không làm ảnh hưởng đến con nhà nghèo học giỏi, các trường cần trích một phần học phí để chi học bổng cho học sinh.
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm là tự chủ đại học.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), khi đã tự chủ rồi thì cần trao quyền cho hội đồng trường để họ quyết định hướng đi, phát triển của trường. “Đừng đóng khung những quy định như phải có bao nhiêu giảng viên. Người ta có thể quyết định mời giảng viên nào, trả lương bao nhiêu theo nhu cầu và chất lượng đào tạo”, đại biểu Hiếu nói.
Trao đổi bên lề hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) yêu cầu các trường công thì trách nhiệm xã hội phải cao. Khi tự chủ, các trường ngoài công lập huy động vốn xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất. Còn trường công lập thì Nhà nước hỗ trợ đất đai xây dựng trường. Đó là khác nhau cơ bản, còn những vấn đề khác là như nhau kể cả việc trả lương cho giáo viên.
“Trường ngoài công lập được quyền xác định lợi nhuận. Sau khi nhà trường trả lương và các khoản chi phí khác, khoản lãi còn lại nhà trường có thể chia cho những người có cổ phần. Nhưng trường công lập thì không thể có lợi nhuận mà phi lợi nhuận. Trường công lập làm gì đều phải công khai với xã hội. Sau khi chi trả lương và chi phí rồi, phần lợi nhuận phải đưa vào quỹ tích lũy. Quỹ này để xây dựng thêm trường, tôn tạo cơ sở, làm cho cơ sở đào tạo đó tốt lên”, ông Cường phân tích.
Vị Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng các trường công lập phải có trách nhiệm xã hội. Chẳng hạn, phải dành 1 tỷ lệ học phí bao nhiêu % để cấp học bổng cho những người không có khả năng đóng học phí, để cho những học sinh con nhà nghèo học giỏi vẫn có thể theo học trường đại học tốt.
Ý kiến ()