Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 07:23 (GMT +7)
Truyền thông quốc tế liên tục đưa tin về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Chủ nhật, 21/07/2024 | 10:04:53 [GMT +7] A A
VOV.VN - Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn liên tục cập nhật trong mục Breaking News.
Các hãng truyền thông quốc tế liên tục đưa tin về sự ra đi của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, đồng thời điểm lại những đóng góp của Tổng Bí thư cho sự phát triển mọi mặt của đất nước; trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến công cuộc xây dựng Đảng vững mạnh, những thành quả đối ngoại nổi bật trong chính sách “ngoại giao cây tre”, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các hãng thông tấn của Lào, Trung Quốc, Campuchia, Cuba và Nga đã đăng tải nguyên văn các bức điện chia buồn được gửi tới lãnh đạo và người dân Việt Nam cùng sự thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một người đồng chí vô cùng gần gũi, thân thiết của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào; một người bạn tốt của Campuchia; một người đồng chí thân thiết và người bạn chân thành của Đảng Cộng sản và Nhân dân Trung Quốc. Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Cuba khẳng định là một mất mát không thể bù đắp đối với nước này. Cuba sẽ luôn tưởng nhớ tới Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng như một người anh em vĩ đại, một người thúc đẩy không biết mệt mỏi mối quan hệ hữu nghị đặc biệt.
Các hãng ABC news, AP của Mỹ trích dẫn toàn bộ tiểu sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là vai trò của ông trên cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2011 đến nay. Hai tờ báo nhấn mạnh đến việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi vấn đề tham nhũng là mối đe dọa nghiêm trọng, đồng thời trích dẫn lại câu nói nổi tiếng của ông năm 2016 rằng “Không kỷ cương, đất nước sẽ rối loạn”.
Còn Tờ Financial Times và Nikkei điểm lại thành tựu kinh tế của Việt Nam trong hơn 1 thập kỷ qua, đánh giá những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư cho công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam, trong đó nêu bật quyết sách liên quan đến việc Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do với nhiều nước.
Nhiều tờ báo khu vực và quốc tế thì nhấn mạnh điểm sáng ngoại giao của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nổi bật là chính sách ngoại giao cây tre với những góc tiếp cận “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”… thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam…
Tờ Financial Times nhận định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có vai trò quan trọng trong việc cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các siêu cường toàn cầu, duy trì quan hệ chặt chẽ với các cường quốc hàng đầu là Trung Quốc, Nga và Mỹ.
Kênh truyền hình NHK của Nhật Bản và Aljazeera của Qatar đã phát đi những đoạn băng hình về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau; nêu bật những thành quả của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông, từ đối nội cho đến đối ngoại.
Nhiều bài viết khác nhau về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được hãng thông tấn TASS của Nga liên tục đăng tải, khẳng định Tổng Bí thư là người quan trọng, góp phần thúc đẩy hiệu quả mối quan hệ Việt Nam – Nga.
Hãng tin Sputnik có bài viết tổng quát với tiêu đề, “Cuộc đời, sự nghiệp và di sản lớn nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, trong đó có đoạn: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà chính trị xuất sắc của Việt Nam, người chiến sĩ Cộng sản trung kiên, tận tâm cống hiến cả cuộc đời và sự nghiệp vì nước, vì dân, được yêu mến cả trong và ngoài nước.”
Dẫn lời Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, tờ Belarus Ngày nay nêu rõ, sự phát triển của nước Việt Nam hiện đại gắn bó chặt chẽ với phong cách của “nhà chính trị kiệt xuất ấy”.
Nhiều bài viết, phóng sự về Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được các báo chí quốc tế đăng tải, nêu bật hình ảnh của một vị chính khách gần gũi với người dân, luôn được các nhà lãnh đạo thế giới tiếp đón rất nồng hậu trong mỗi lần công du nước ngoài.
Nhiều chuyên gia, học giả quốc tế đều đưa ra nhận định chung rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo điển hình của Việt Nam trong việc kết hợp hài hòa giữa quan hệ quốc tế và lợi ích quốc gia - dân tộc trong công tác đối ngoại.
Đình Nam/VOV1 (Tổng hợp)
Ý kiến ()