Thứ Hai, 19/05/2025 22:35 (GMT +7)

Tư tưởng Hồ Chí Minh - Biểu tượng của tinh hoa và khát vọng dân tộc

Thứ 2, 19/05/2025 | 15:07:24 [GMT +7] A  A

Hình ảnh Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa đã hòa quyện tạo nên một nét riêng độc đáo ở Hồ Chí Minh không chỉ trong quá khứ mà đang sống với hiện tại và tiếp tục tỏa sáng trong nền văn hóa tương lai.

Từ giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, mặc dù các phong trào yêu nước, chống Pháp liên tục diễn ra, sẵn sàng “Đúc gan sắt để dời non lấp biển, xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ” nhưng tất cả các cuộc nổi dậy ấy đều “trăm thất bại mà không có lấy một thành công”. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu là chưa có một đường lối đúng.

Chứng kiến những thất bại đau đớn của các vị yêu nước tiền bối, nhân dân sống lầm than, cực khổ dưới ách thực dân tàn bạo, người thanh niên ưu tú của dân tộc - Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước với hành trang là lòng yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, khát vọng độc lập, tự do.

Suốt nhiều năm xông pha, Người có mặt ở nhiều nước, tiếp xúc với nhiều lớp người, thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Khi đến các nước tư bản phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ, Người nhìn thấy cảnh giai cấp công nhân bị áp bức, bóc lột thậm tệ.

Khi sang các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, Người lại tận mắt thấy nhiều dân tộc bị thực dân thống trị hết sức hà khắc, dã man. Người thấy rõ ý chí quật cường của các dân tộc bị áp bức, tinh thần đấu tranh kiên cường của giai cấp công nhân, những người lao động cùng khổ ở khắp mọi nơi, kể cả nhân dân lao động ở chính nước Pháp.

Nhận ra kẻ thù chung, Người đi đến một kết luận quan trọng: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”(1).

Từ lòng yêu nước, thương dân đến sự phân biệt xã hội có “hai giống người”, ở Nguyễn Ái Quốc đã có sự chuyển biến sâu sắc, hình thành ý thức giai cấp rõ rệt. Khát vọng dân tộc được độc lập, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và trở thành người Việt Nam đầu tiên vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng, sáng lập, tổ chức, rèn luyện và lãnh đạo Ðảng ta.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc nhất tề vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

“Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(2). Ðáp lời kêu gọi của Người, cả dân tộc ta, triệu người như một đã tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, đánh thắng các thế lực thực dân, đế quốc hung bạo nhất, làm nên Chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Ðại thắng mùa Xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Ngay từ khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, ánh sáng chân lý của thời đại, tấm lòng của Người luôn hướng về nhân dân các dân tộc bị áp bức, chiến đấu không mệt mỏi vì một thế giới hòa bình, các dân tộc được tự do và bình đẳng, con người được sống hạnh phúc.

Người đã hết lòng, hết sức xây dựng sự đoàn kết, nhất trí giữa các đảng cộng sản anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng; không ngừng vun đắp quan hệ gắn bó, hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương, các nước láng giềng; cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn cho phong trào cộng sản và giải phóng dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, kiên cường và vô cùng trong sáng, suốt đời chiến đấu cho công bằng, hòa bình và tiến bộ của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Ðảng ta đã khởi xướng, lãnh đạo thành công và ngày càng hoàn thiện đường lối đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Chúng ta càng tự hào vì mỗi chiến công, mỗi thành tựu mà Ðảng và Nhân dân ta giành được đều bắt nguồn từ công lao trời biển và gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trước mỗi khó khăn, thách thức, Ðảng ta, Nhân dân ta lại tìm thấy trong di sản tinh thần vô giá do Người để lại, đó là những giá trị văn hóa vừa dân tộc, vừa hiện đại.

Văn thơ chữ Hán của Người đạt đến trình độ của bậc Hán học. Người tiếp thu tinh hoa của Nho giáo, Phật giáo,... kế thừa truyền thống văn hóa phương Đông. Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác-Lênin trên một loạt vấn đề phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội của dân tộc Việt Nam, đã trở thành văn hóa dân tộc. Sự đóng góp của Hồ Chí Minh về văn hóa không chỉ ở phương diện lý luận mà còn thấm đượm trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, tỏa sáng trong mỗi việc làm, từng cử chỉ, từng mối quan hệ với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Cốt lõi trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Hồ Chí Minh đã coi văn hóa vừa là mục đích, vừa là phương tiện của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Với bút danh Nguyễn Ái Quốc, Người là tác giả của hàng trăm bài báo, thơ, tranh đả kích trên các trang báo Người Cùng Khổ, báo Nhân Đạo,... lên tiếng tố cáo tội ác dã man của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân ở các nước thuộc địa cũng như nhân dân lao động ở chính quốc.

Người đã sử dụng ngòi bút để thức tỉnh, kêu gọi những con người đang bị đè nén, bị bóc lột đứng lên đấu tranh giành lấy quyền con người với đúng nghĩa của nó. Hồ Chí Minh đã đưa ánh sáng văn hóa đến với những người cần lao để họ đến với cách mạng, hiểu và thực hiện hiệu quả việc tự giải phóng bản thân.

Trong Hội thảo quốc tế, kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, Tổng Giám đốc UNESCO đã khẳng định: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng, để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.

Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và tiến bộ nhân loại, năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam”.

Hơn 55 năm về trước, khi vĩnh biệt chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc với muôn vàn tình thương yêu và những lời căn dặn rất đỗi ân tình và sâu sắc.

Bốn thập kỷ thực hiện Di chúc của Người, chúng ta đã đạt những thành tựu to lớn, đáng tự hào và càng thấm thía sâu sắc những điều Người căn dặn chúng ta: “Ðảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Phát huy những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của dân tộc, trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh.

Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chúng ta hãy tận dụng, nắm bắt thời cơ ngay trong khó khăn, thách thức nhằm tạo nên sự thống nhất trong toàn Ðảng, sự đồng thuận trong toàn dân để phát huy sức mạnh đại đoàn kết, khát vọng phát triển đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hùng cường, thịnh vượng./.

Nguyễn Thanh Hoàng

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 1, trang 266.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.534.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu