Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 23:35 (GMT +7)
Tương lai của EU trước thử thách cuộc khủng hoảng người tị nạn
Thứ 6, 25/09/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Ngay từ cách đây vài tháng, Italy đã lên tiếng kêu gọi rằng vấn đề tị nạn và nhập cư là vấn đề liên quan đến cả châu Âu và trên thực tế, tình hình đã xấu đi nhanh chóng.
Tuy nhiên, việc các nguyên thủ Liên minh châu Âu (EU) đi đến thống nhất sẽ triển khai các trại tiếp nhận người tị nạn vào tháng 11 là một quyết định hết sức quan trọng. Đây là đánh giá của Thủ tướng Italy Matteo Renzi ngay sau Hội nghị Thượng định bất thường EU về khủng hoảng tị nạn diễn ra ngày 23/9 tại Brussels, Vương quốc Bỉ.
Cuộc họp Thượng đỉnh bất thường được tổ chức trong bối cảnh hết sức khó khăn khi 4 quốc gia thành viên EU là Czech, Slovakia, Hungary, Rumani đã từng bỏ phiếu chống cơ chế phân bổ định mức tiếp nhận người tị nạn. Bên cạnh đó, Hy Lạp tiếp tục bị “những người đồng hương” chỉ trích nặng nề vì đã tiếp nhận thiếu kiểm soát những người tị nạn. Nhưng cuối cùng, một kế hoạch có thời hạn cũng đã được các quốc gia EU đồng thuận, giúp châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng tị nạn, nhập cư trước mắt. Theo đó, trong tầm ngắn, trung hạn, châu Âu tiếp tục chấp nhận tiếp nhận, phân bổ có kiểm soát và sàng lọc khoảng 120 nghìn người tị nạn đến các quốc gia thành viên. Những đối tượng không được chấp nhận quy chế tỵ nạn sẽ được tổ chức hồi hương.
Trong khi đó, việc giám sát, bảo vệ các vành đai biên giới của EU cả trên bộ và trên biển với thế giới bên ngoài sẽ được tăng cường siết chặt. Về dài hạn, việc 28 nguyên thủ quốc gia thành viên EU nhất trí huy động ít nhất 1 tỷ euro cho các cơ chế hỗ trợ người tị nạn của Liên hiệp quốc như Cao ủy về người tị nạn (UNHCR), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) không có gì khác ngoài mục đích triển khai, ổn định các trại tiếp nhận người tị nạn bên ngoài biên giới châu Âu (tại các nước láng giềng với Syria). Trong đó, nhu cầu tài chính của WFP được coi là hết sức khẩn cấp để hỗ trợ khoảng 11 triệu người tị nạn Syria tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Liban. Vấn đề khó khăn nhất của các nhà lãnh đạo EU hiện nay đó là không có một con số thống kê tương đối chính xác về số lượng những người tị nạn sẽ phải tiếp nhận và phân bổ đến các nước thành viên trong tương lai.
Cần phải nhìn nhận rằng châu Âu đã “nhắm mắt” trước tình hình xung đột diễn ra tại Syria trong suốt 4 năm qua, trong khi không tự chuẩn bị cho mình một chính sách chung để đối phó với các nguy cơ khủng hoảng về tỵ nạn và nhập cư. Thực tế những ngày qua đã cho thấy các quy định của Hiệp ước Dublin về người tị nạn đã không còn phù hợp và cần phải được nhanh chóng, điều chỉnh thay thế bằng một cơ chế phù hợp. Và nếu có, cơ chế mới phải là một cơ chế chia sẻ trách nhiệm ở một quy mô rộng hơn. Dư luận các đảng phái chính trị trong Nghị viện châu Âu cho rằng đây là cách duy nhất để tránh nguy cơ đổ vỡ của không gian tự do đi lại Schengen, vốn được coi như một biểu tượng của một hình mẫu EU thống nhất.
Trước cuộc họp Thượng đỉnh bất thường ngày 23/9, thủ lĩnh nhóm chính trị Liên minh Tự do Dân chủ tại Nghị viện châu Âu, nguyên Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt đã từng đưa ra nhận xét và cảnh báo rằng trước khủng hoảng tị nạn, nhập cư “Châu Âu phản ứng như một con thỏ bị lóa mắt trước ánh sáng đèn pha. Không thống nhất, không đoàn kết và cũng không có một kế hoạch nào được triển khai. Tôi kêu gọi những lãnh đạo EU như ông Tusk và Juncker hãy làm hết trách nhiệm của mình với những công cụ buộc các nước thành viên phải đi đến đồng thuận. Cho đến nay, các nước thành viên EU vẫn tiếp tục bất đồng sâu sắc, đổi chác, ngã giá với nhau … Chúng ta phải có trách nhiệm trước những người tị nạn đang gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu nguyên thủ các nước thành viên tiếp tục như vậy, thì chính sự tồn tại của EU cũng sẽ rơi vào vòng nguy hiểm”.
Quang Thanh (P/v TTXVN tại Roma)
Ý kiến ()