Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 16:41 (GMT +7)
Tưởng niệm 573 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi
Thứ 2, 28/09/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Ban tổ chức Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2015 đã tổ chức Lễ tưởng niệm 573 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Lễ rước văn từ chùa Côn Sơn sang đền thờ Nguyễn Trãi. Ảnh: Mạnh Minh – TTXVN. |
Ngày 28/9, tại Khu di tích danh thắng Côn Sơn- Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh (Hải Dương), Ban tổ chức Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2015 đã tổ chức Lễ tưởng niệm 573 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương, các tăng ni, phật tử cùng hàng nghìn người dân tham dự lễ tưởng niệm.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Văn Quế đã đọc diễn văn ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi. Sau diễn văn và văn tế, các đại biểu và du khách đã dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Trước đó, đã diễn ra lễ rước văn từ chùa Côn Sơn sang đền thờ Nguyễn Trãi. Lễ rước được tổ chức trang nghiêm theo nghi lễ truyền thống.
Nguyễn Trãi sinh năm 1380, hiệu là Ức Trai, quê ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương) sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây cũ). Cha của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh – một học trò nghèo, học giỏi, đỗ thái học sinh (tiến sĩ). Mẹ ông là Trần Thị Thái, con của Quan đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Sau khi mẹ và ông ngoại qua đời, Nguyễn Trãi về ở Nhị Khê với cha. Năm hai mươi tuổi (năm 1400) Nguyễn Trãi đỗ thái học sinh và hai cha con ông đã cùng ra làm quan dưới thời nhà Hồ. Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị chúng đưa sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi và một người em đi theo chăm sóc cha. Nghe lời cha khuyên, Nguyễn Trãi đã trở về, nhưng bị quân Minh bắt giữ. Sau đó, ông tìm theo Lê Lợi, kháng chiến chống quân Minh. Suốt mười năm chiến đấu, ông đã góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Kháng chiến thắng lợi, Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô Đại cáo, một bản tuyên ngôn độc lập bất hủ, một tổng kết tuyệt vời về đường lối chiến tranh, chống giặc ngoại xâm.
Lãnh đạo tỉnh, Hội Phật giáo tỉnh Hải Dương dâng hương tưởng niệm tại đền thờ Nguyễn Trãi. Ảnh: Mạnh Minh – TTXVN |
Sau khi đất nước sạch bóng ngoại xâm, Nguyễn Trãi hăm hở tham gia xây dựng đất nước thì bỗng bị nghi oan và bắt giam. Sau đó ông được tha, nhưng không còn được tin cậy như trước. Ông buồn, xin về Côn Sơn, đó là vào những năm 1438 – 1440. Năm 1440, Lê Thái Tông mời Nguyễn Trãi trở lại làm việc và giao cho nhiều công việc quan trọng. Ông đang hăng hái giúp vua thì xảy ra vụ nhà vua chết đột ngột ở Trại Vải (Lệ Chi Viên, Bắc Ninh). Bọn gian tà ở triều đình đã vu cho Nguyễn Trãi âm mưu giết vua, khép vào tội phải giết cả ba họ vào năm 1442.
Nỗi oan tày trời ấy của Nguyễn Trãi phải hơn hai mươi năm sau (năm 1464) mới được Lê Thánh Tông giải tỏa và cho sưu tầm lại thơ văn của Nguyễn Trãi và tìm người con trai còn sống sót cho làm quan. Hiện nay bộ Ức Trai Thi Tập của Nguyễn Trãi còn lại 110 bài thơ Đường và vài trăm bài văn,thể hiện nhiều cảm xúc của ông và có tính chất sử liệu rất cao, điển hình là bài Bình Ngô Đại Cáo (tất cả bằng chữ Nho, được người đời sau dịch ra Quốc ngữ).
Năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của ông, Nguyễn Trãi đã được UNESCO chính thức công nhận là Danh nhân văn hoá thế giới, nhà quân sự lỗi lạc, nhà chính trị thiên tài.
Ý kiến ()