Một kỳ tuyển sinh đại học sắp khép lại với niềm vui trúng tuyển đại học được chia đều cho nhiều thí sinh. Năm nay là năm đầu tiên sau nhiều năm đổi mới công tác tuyển sinh đại học, nhiều trường đại học top đầu đã tuyển đủ sinh viên ngay từ đợt đầu tiên. Liệu đó có phải là một kết thúc bình lặng, tốt đẹp cho một kỳ thi vốn gây nhiều tranh cãi suốt nhiều năm? Kỳ thi năm nay tiếp tục ẩn chứa nhiều sự bất bình thường có thể để lại dự cảm không mấy tốt đẹp về nguồn nhân lực quốc gia trong tương lai.
Lần đầu tiên trong lịch sử tuyển sinh nước nhà, thí sinh đạt gần 30 điểm trượt nguyện vọng một. Hai ngành nghề được cho là quan trọng nhất đối với một quốc gia là sư phạm và y trong mùa tuyển sinh năm nay đều có vấn đề.
Trước hết, nói về sư phạm – ngành đào tạo nhân lực cho sự nghiệp “trồng người” lại có mức điểm trúng tuyển thấp kỷ lục, có những trường thí sinh chỉ đạt 3 điểm/môn là đã trúng tuyển. Câu nói “Chuột chạy cùng sào thì vào sư phạm” trở nên vô cùng đúng trong thời điểm hiện tại. Thí sinh không thể học ngành nghề nào nữa thì vào học sư phạm. Hãy thử tưởng tượng, những người thi được 3 đến 5 điểm/môn sau này ra trường lại đào tạo thế hệ tiếp theo thì chất lượng nguồn nhân lực sẽ ra sao? Nền giáo dục nước nhà sẽ đi về đâu khi rơi vào tay những người yếu kém như vậy?
Vì sao sư phạm từ một ngành có giá, từng tuyển được những người giỏi nhất lại trở thành một ngành chỉ dành cho những người kém cỏi? Câu nói của Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về việc tuyển nhân lực cho ngành sư phạm khiến chúng ta phải suy ngẫm: “Dù thế nào cũng phải làm sao giáo sinh vào trường sư phạm phải cảm thấy tự hào”. Với mức điểm trúng tuyển như hiện nay, có ai tự hào khi vào học sư phạm? Sau này ra trường, chế độ đãi ngộ, lương, thưởng của ngành sư phạm có khiến các thầy, cô tự hào?
Đối với ngành y, theo thống kê, số lượng thí sinh đỗ ngành y với số điểm ưu tiên được cộng chiếm tỷ lệ rất cao. Phải thừa nhận các em, dù đỗ Y khoa nhờ vào việc cộng điểm ưu tiên cũng là những người có học lực khá giỏi. Nhưng như vậy lại không công bằng với những em giỏi thực sự, do không được cộng điểm ưu tiên mà trượt đại học. Ngành y là ngành chữa bệnh cứu người chính vì thế phải tuyển chọn những người giỏi nhất trong số những người giỏi. Nhưng thực tế, chúng ta đã không tuyển được những học sinh giỏi thực sự, ưu tú thực sự để bổ sung vào nguồn nhân lực của ngành y tế.
Một bất cập nữa trong kỳ thi tuyển sinh năm nay có thể thấy, giảm mạnh tỷ lệ học sinh đăng ký vào ngành nông nghiệp, các ngành học kỹ thuật, những ngành sản xuất… tạo ra các giá trị gia tăng. Trong khi các em học sinh có lực học khá giỏi lại đổ xô vào các ngành công an, quân đội. Lý do chính được đưa ra là cơ hội việc làm sau khi ra trường đối với ngành công an, quân đội thì không phải lo, trong khi các ngành học về nông nghiệp, kỹ thuật thường khó tìm việc làm, công việc lại vất vả vì gắn với sản xuất.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến 12h00 ngày 8/8, 242.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 đã làm thủ tục xác nhận nhập học, đạt 68.75% so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 352.000. Điều này có nghĩa là 30% số thí sinh trúng tuyển, tương ứng khoảng 120.000 thí sinh đã không nhập học vào các trường mình đã đăng ký.
Tuy nhiên, ngành giáo dục và các ngành liên quan cần phân tích làm rõ số chỉ tiêu các trường cần tuyển đủ là để đảm bảo ngưỡng “nuôi” nhà trường hay là nhu cầu về nhân lực của ngành đó trong tương lai? Làm rõ con số này để các trường không phải gạn tìm thí sinh bằng mọi giá. Bởi thực tế chúng ta đang có hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ ra trường không thể kiếm được việc làm, nhiều em giấu bằng đại học, cao học để đi làm công nhân trong các khu công nghiệp. Việc định hướng, phân luồng nhân lực không sát nhu cầu thực tế đã tạo ra sự dư thừa không đáng có, gây lãng phí vô cùng lớn cho xã hội. Ở nhiều nơi, sự học của các em đã không mở ra cơ hội đổi đời mà khiến nhiều gia đình thêm nghèo khó, thất nghiệp vẫn tràn lan./.
VOV-VN
Ý kiến ()