Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 00:55 (GMT +7)
Tuyển sinh ĐH 2017: Nhiều ngành học mới, dự báo rất ‘hot’
Thứ 2, 27/03/2017 | 14:30:00 [GMT +7] A A
Đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tế của xã hội đang được các trường đại học, cao đẳng chú trọng. Nắm bắt định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ hội nhập, nhiều trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã cho “ra lò” nhiều ngành học mới, đáp nhu cầu nhân lực của thị trường lao động hiện tại và tương lai.
“Ra lò” ngành mới
Học sinh tham quan các gian hàng giới thiệu các ngành học của Đại học Bách Khoa TP HCM.
Ảnh: Phương Vy/TTXVN
Phong trào khởi nghiệp đang được xã hội đặc biệt quan tâm, nắm bắt nhu cầu của giới trẻ, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho “ra lò” chuyên ngành Quản trị khởi nghiệp nằm trong ngành Quản trị kinh doanh với chỉ tiêu tuyển sinh là 50 sinh viên.
Theo đó, bắt đầu từ năm học thứ ba, sinh viên sẽ học chuyên ngành, trang bị các kiến thức liên quan đến hoạt động khởi nghiệp kinh doanh, hình thành năng lực khởi sự, phát triển và quản trị có hiệu quả các dự án kinh doanh. Đồng thời, chương trình trang bị các kỹ năng cần thiết cho nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà quản trị, như khả năng hoạt động độc lập, phối hợp hoạt động theo nhóm; kỹ năng phân tích, tổng hợp và giải quyết vấn đề, kỹ năng đàm phán và lãnh đạo…
Theo phân tích của nhà trường, qua công tác tư vấn tuyển sinh cho thấy các bạn trẻ rất quan tâm đến ngành học này. Nhu cầu khởi nghiệp của bạn trẻ hiện nay cũng cao, tuy nhiên thực tế cho thấy tỷ lệ khởi nghiệp thành công không cao. Để khởi nghiệp bạn trẻ phải được trang bị kiến thức, kỹ năng nhất định, đặc biệt là về quản trị rủi ro. Chương trình học sẽ góp phần giúp sinh viên tự tin hơn để dấn thân khởi nghiệp.
Cùng đó, năm 2017 Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh mở thêm hai chuyên ngành mới, gồm: Thương mại điện tử và Quản trị bệnh viện; mỗi ngành dự kiến tuyển sinh 50 chỉ tiêu. Với chuyên ngành Quản trị bệnh viện, chương trình đào tạo sẽ do nhà Trường kết hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch soạn thảo. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận các vị trí quản trị viên tại các bệnh viện, phòng khám và các tổ chức y tế. Cụ thể là phụ trách các chức năng tài chính, nhân sự, quan hệ công chúng, quản trị cung ứng, chất lượng dịch vụ và vận hành hệ thống điều trị, chăm sóc sức khỏe… giúp bệnh viện phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân.
Theo các chuyên gia, với tốc độ phát triển khá nhanh ngành Logistics đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực. Dự báo trong ba năm tới, ngành Logistics Việt Nam cần tới hàng chục nghìn nhân lực, tuy nhiên hiện số lượng trường đại học có đào tạo ngành này còn rất ít. Đáp ứng yêu cầu thực tế, năm 2017, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, dự kiến tuyển sinh 40 chỉ tiêu.
Năm 2017, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành sẽ mở thêm ngành mới là Y học Dự phòng đáp ứng yêu cầu nhân lực cho ngành y tế và nhu cầu học tập của người học. Đại diện nhà trường cho biết, chương trình đào tạo của ngành này được xây dựng theo tiêu chuẩn của các trường đại học lớn, đồng thời nhận được sự cố vấn sâu sát của các chuyên gia, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành đến từ Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà trường cũng tham khảo nhiều chương trình uy tín trong nước và quốc tế , được đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á.
Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mở ngành Kỹ thuật không gian với chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 40 chỉ tiêu. Đây là trường đại học đầu tiên trong cả nước đào tạo ngành học này.
Phù hợp với yêu cầu phát triển
Sinh viên năm cuối các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh tìm cơ hội việc làm tại ngày hội “Nghề nghiệp sinh viên – Nhân lực trẻ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016”. Ảnh: Phương Vy/TTXVN
Qua nghiên cứu, phân tích thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Quá trình phát triển thị trường lao động trong các năm tới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, làm thay đổi cơ cấu ngành nghề trong xã hội. Theo đó, một số nhóm ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Các nhóm ngành này vẫn dựa trên cơ sở của những nhóm ngành cũ và có sự kết hợp, lồng ghép các nhóm ngành với nhau dẫn đến sự hình thành của những nhóm ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, nhóm ngành Công nghệ thông tin trong giai đoạn hội nhập ASEAN sẽ có cơ hội phát triển, hình thành một số nhóm nghề mới, như bảo mật mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D. Các ngành này vẫn dựa trên nền tảng của ngành đào tạo là công nghệ thông tin và được phát triển theo hướng chuyên sâu hơn.
Ở nhóm ngành Công nghệ và Kỹ thuật, sẽ xuất hiện một số nhóm ngành như kỹ thuật thương mại, quản trị viên của các ngành kỹ thuật. Nhóm ngành Quản trị kinh doanh – Tài chính – Ngân hàng hình thành ra những nhóm ngành nghề mới như quản trị rủi ro, quản lý chất lượng chuyên ngành công nghiệp – công nghệ kỹ thuật và y tế, Logistic, quản lý văn phòng cao cấp. Nhóm ngành y tế , trước xu hướng ứng dụng các kỹ thuật cao vào y tế, sẽ hình thành các nhóm ngành mới như quản trị cơ sở dữ liệu ngành y tế…
Theo đại diện các trường, việc mở thêm các ngành mới đều dựa trên nghiên cứu về của xã hội, yêu cầu phát triển và hội nhập. Chia sẻ trường hợp cụ thể, Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó phòng phụ trách Phòng Đào tạo và công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nghiên cứu nhu cầu thực tế cho thấy phần lớn các bệnh viện không có nhân lực quản trị bệnh viện. Trong khi đó, xu thế của các quốc gia trên thế giới hiện nay, lãnh đạo một bệnh viện không nhất thiết phải là một bác sĩ mà đó có thể là một nhà quản trị, quản lý để bệnh viện hoạt động hiệu quả. Như vậy, nhu cầu của ngành này là rất lớn, nhưng số lượng sinh viên ra trường mỗi năm rất ít. Do vậy, sinh viên được đào tạo ngành này có thể đáp ứng được nhu cầu xã hội, yêu cầu phát triển, hội nhập.
Tuy nhiên, dù ở ngành nào thì nhu cầu về nhân lực chất lượng cao vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Phân tích của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong giai đoạn 2016 – 2025, nhu cầu tuyển dụng nhân sự hình thành ba cấp nhân lực, cụ thể chuyên môn kỹ thuật bậc cao (tăng 41%, với 14 triệu chỗ làm việc), chuyên môn kỹ thuật bậc trung (tăng 22%, với 38 triệu chỗ làm việc), chuyên môn kỹ thuật bậc thấp (tăng 24%, với 12,4 triệu chỗ làm việc).
Ý kiến ()