Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 09:40 (GMT +7)
Tuyển sinh lớp 10: Giảm chỉ tiêu, thêm quy định chặt
Thứ 4, 11/05/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Năm nay, với việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2016 – 2017 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn chưa hết “nóng”.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội thêm quy định mới là nếu trúng tuyển vào trường công lập thì không được chuyển trường trong 3 năm THPT.
Tăng nỗi lo
Tại Hà Nội, tổng số học sinh tốt nghiệp THCS thi vào lớp 10 của Hà Nội năm nay là 81.500 em, thì chỉ tiêu của hệ THPT thành phố chỉ là 62.500 chỉ tiêu (giảm khoảng 4.000 chỉ tiêu so với năm 2015). Các trường THPT công lập tuyển 52.290 học sinh, trường ngoài công lập tuyển 14.500 học sinh, còn lại là chỉ tiêu các trường dạy nghề. Việc chỉ tiêu đầu vào năm nay tiếp tục giảm, khiến nhiều bậc phụ huynh, học sinh không khỏi lo lắng.
Thí sinh dự thi vào kỳ thi THPT lớp 10 tại Hà Nội năm 2015 – 2016. Ảnh: Quý Trung |
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại TP Hồ Chí Minh. Khi chỉ tiêu học lớp 10 công lập năm nay chỉ 62.780, giảm 1.835 chỉ tiêu so với năm học trước. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD – ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết: “Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập 2016 – 2017 dự kiến tuyển 80% học sinh tốt nghiệp THCS tại TP Hồ Chí Minh. Sẽ còn 20% học sinh tốt nghiệp THCS không được tuyển vào lớp 10 THPT công lập”. Một số trường THPT buộc phải giảm chỉ tiêu so với năm ngoái. Cụ thể, THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận) giảm 160 chỉ tiêu, THPT Hiệp Bình (quận Thủ Đức) giảm 315 chỉ tiêu, THPT Nguyễn Trãi (quận 4) giảm 180 chỉ tiêu, THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) giảm 225 chỉ tiêu… Không chỉ các trường tốp dưới giảm mà ngay cả những trường tốp trên cũng giảm như trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) chỉ tiêu khối lớp chuyên tăng nhưng chỉ tiêu khối lớp 10 thường lại giảm 90 chỉ tiêu, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) giảm 45 chỉ tiêu…
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều học sinh khá lo lắng trước kỳ thi này. Em Nguyễn Thanh Nga, học sinh lớp 9 trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Em dự kiến thi vào trường THPT Nguyễn Tất Thành và THPT Phạm Hồng Thái; một trường có điểm đầu vào khá cao của quận Cầu Giấy và một trường có điểm vừa phải. Bản thân em cũng rất lo vì năm nay số lượng thí sinh thi vào lớp 10 đông hơn năm ngoái, nhưng chỉ tiêu lại thấp hơn. Vì vậy, tỷ lệ “chọi” cũng sẽ nhiều hơn. Gần đây, em đã phải tăng ca học thêm. Có hôm em chỉ ngủ được khoảng 4 – 5 tiếng”.
Bên cạnh nỗi lo về chỉ tiêu, thì theo quy định năm nay học sinh đã trúng tuyển vào trường THPT công lập phải học ổn định hết cấp học tại trường THPT đó. Rất nhiều phụ huynh băn khoăn về quy định này. Thực tế cho thấy, việc chọn trường đầu vào không thể đảm bảo phù hợp 100%, khi phụ huynh, học sinh không có nhiều thông tin về nhà trường, đội ngũ giáo viên. Vì vậy, việc chuyển trường trong 3 năm học vẫn diễn ra.
Theo chị Ninh Thị Hồng (Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì quy định này có phần cứng nhắc. “Nếu không vì lý do trường lớp không phù hợp, thì cũng có gia đình phải di chuyển chỗ ở, không thuận tiện cho con học trường cũ. Quy định không được thay đổi trường học đã hạn chế quyền lợi được lựa chọn môi trường học tập phù hợp của học sinh”, chị Ninh Thị Hồng chia sẻ.
Về vấn đề này, theo ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD – ĐT Hà Nội: “Học sinh đã trúng tuyển trường THPT công lập không được chuyển trường ở đâu phải ổn định ở đó vì khi lựa chọn đăng ký xét tuyển, phụ huynh và học sinh đã căn cứ năng lực bản thân, điều kiện đi lại… Nếu để học sinh tự do chuyển trường, Sở không thể quản lý được và cũng không công bằng với những học sinh khác. Trường hợp đặc biệt phát sinh trong quá trình học tập cần phải chuyển trường, thì phải được Giám đốc Sở GD – ĐT cho phép”.
Vẫn có cơ hội điều chỉnh trong thời gian xét tuyển
Chuyện căng thẳng vào kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội diễn ra trong nhiều năm qua. Bởi hệ thống trường công lập chỉ đáp ứng được khoảng hơn 60% số lượng học sinh, còn lại là hệ thống trường ngoài công lập, tư thục và hệ khác. Đây cũng là chủ trương của thành phố Hà Nội trong việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cho khu vực trường công, nhằm đảm bảo chất lượng học tập. Theo ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD – ĐT Hà Nội thì lộ trình giảm chỉ tiêu hệ công lập cũng nằm trong lộ trình đảm bảo chất lượng giáo dục mà Sở đang hướng tới.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở sẽ từng bước giảm tỉ lệ tuyển học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập để tăng dần tỉ lệ học sinh vào học trong các trường Trung cấp chuyên nghiệp theo đúng lộ trình. Theo đó, đến năm 2020 thành phố sẽ phấn đấu có 30% số học sinh tốt nghiệp THCS hoặc THPT sẽ học nghề tại các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề.
Theo nhiều giáo viên, nếu học sinh biết tính toán và lượng sức mình, thì cánh cửa vào trường công vẫn không quá chật. Ở Hà Nội, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay, mỗi thí sinh có 2 nguyện vọng để dự tuyển vào 2 trường khác nhau. Theo ông Ngô Văn Chất, trước khi đăng ký dự thi, thí sinh nên tham khảo kỹ phần điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 các năm học trước, từ đó chọn trường phù hợp. Nội dung đề thi dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THCS, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, vì vậy học sinh có thể tự ôn, hoặc ôn tập tại trường theo hướng dẫn của giáo viên.
Còn ở TP Hồ Chí Minh, cô Trần Thị Thu Ngân, Trường THCS Lý Phong (quận 5) chia sẻ: “Ở nguyện vọng 1 các em có quyền chọn trường mà các em yêu thích và tương ứng với lực học của mình. Nguyện vọng 3 phải là phương án dự phòng trong trường hợp xấu nhất vẫn vào được công lập đó là trường có điểm thấp hẳn so với khả năng của mình. Còn ở nguyện vọng 2 học sinh phải chú ý hơn, để có thể thi đậu vào các trường công lập ở nguyện vọng này, học sinh nên dựa vào phổ điểm chuẩn của năm ngoái, tổng điểm và điểm thi học kỳ của ba môn thi chính sau đó trừ hao xuống từ 3 – 5 điểm là ra số điểm của mình. Các em nên chọn đăng ký dự thi ở những trường gần nhà và phù hợp với khả năng mình nhất”.
Ý kiến ()