Gạo để chế biến xôi ngũ sắc là loại gạo nếp hạt tròn, dẻo thơm, được trồng trên cánh đồng Mường Lò, nơi dòng suối Thia dạt dào nước mát, ngọt lành từ rừng đầu nguồn về. Hoặc là gạo nếp Tú Lệ, loại gạo thơm ngon nổi tiếng cả nước, được trồng cách Mường Lò không xa.
Gọi là xôi màu ngũ sắc vì món xôi có 5 màu xanh – đỏ – tím – vàng – trắng. Để có những màu sắc này, các cô gái Thái đã dùng các loại cây đặc biệt để nhuộm gạo. Màu đỏ, màu xanh và màu tím thì dùng nước cây cơm đỏ, cây cơm xanh, cây cơm tím; màu vàng thì dùng nước nghệ nếp, còn màu trắng là nguyên bản của gạo.
Các loại cây được lấy vào buổi sáng sớm, về rửa sạch, giã và nấu kỹ sẽ cho ra các màu sắc đặc trưng. Gạo được ngâm bằng các loại nước này qua đêm, để ráo nước rồi cho vào chõ xôi truyền thống, đặt trên các ninh đồng hoặc nhôm, đồng bào gọi là Mỏ Lửng – Tay Lung.
Quá trình xôi cơm lửa phải đều, không bị khói. Sau khoảng 30 phút thì xôi chín. Hạt gạo nếp ở Mường Lò cho ra thứ xôi thơm dẻo vô cùng, dù nóng hay nguội thì khi nắm chặt tay cũng sẽ không bị dính. Xôi chín được đơm vào 5 đĩa hình cánh ban rồi ghép với nhau thành mâm xôi hình bông hoa ban vô cùng đẹp mắt.
Bà Lò Thị Hạc, ở bản Đêu, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết, cách làm món xôi này có từ bao giờ không biết, để dùng trong ngày lễ, Tết, cúng ông bà tổ tiên hay đãi khách quý đến nhà chơi.
Theo quan niệm của người Thái Mường Lò, mâm xôi ngũ sắc được tạo hình thành bông hoa Ban, bởi đây là loài hoa biểu tượng của vùng Tây Bắc. 5 cánh hoa với 5 màu sắc cũng tượng trưng cho Âm dương Ngũ hành. Qua món xôi đặc biệt này, người dân nơi đây muốn thể hiện khát vọng yêu thương, tình yêu son sắt thuỷ chung và lòng kính yêu mẹ cha.
Nghệ nhân Điêu Thị Siêng, ở bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: Khẩu cắm lanh là cơm xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng. Khẩu cắm lăm là cơm xôi màu tím tượng trưng cho trái đất trù phú. Khẩu cắm hương là cơm xôi màu vàng tượng cho sự no ấm đầy đủ. Khẩu khiêu là cơm xôi màu xanh tượng trưng cho màu xanh của núi rừng Tây Bắc. Khẩu nón là cơm xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng thuỷ chung. Với món xôi ngũ sắc, người Thái mong muốn sự trọn vẹn, no đủ và đầm ấm, hạnh phúc.
Năm 2008, sản phẩm xôi màu ngũ sắc của đồng bào Thái ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ làm ra đã được đăng ký kỷ lục guiness Việt Nam là mâm xôi lớn nhất với trọng lượng 1,3 tấn, rộng 2,8 mét, dày 30 cm. Để có được mâm xôi này, hơn 200 hộ đồng bào người Thái đã dùng 300 chõ xôi, 200 kg thảo dược để triết xuất lấy nước màu.
Hiện nay đến bất cứ bản làng nào ở thị xã Nghĩa Lộ và các xã vùng Mường Lò của huyện Văn Chấn, du khách đều có thể thưởng thức món xôi màu ngũ sắc. Món ăn đặc biệt này sẽ thêm ngon khi ăn cùng thịt trâu gác bếp, cá sỉnh suối Thia nướng, hay đơn giản chỉ là món rau rừng được nộm rất nhiều gia vị quý.
Chị Lường Thị Minh, ở Bản Đêu 3, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Mình làm du lịch cộng đồng đón rất nhiều khách nước ngoài và khách miền xuôi, hầu hết khách đến nhà đều được gia đình mời món xôi này. Những lần sau trở lại thì khách lúc nào cũng yêu cầu gia đình chế biến lại. Có du khách còn mong muốn học làm để về nhà tự chế biến. Tuy nhiên nếu muốn ăn đúng món xôi màu ngũ sắc thì phải chế biến từ gạo và nguồn nước nơi đây.”
Xôi màu ngũ sắc với sự độc đáo riêng có thực sự là món quà đặc biệt chào đón du khách về với Mường Lò, về với miền Tây Bắc để trẩy hội mùa Xuân./.
Ý kiến ()