Tỷ phú Trung Quốc Lưu Ích Khiêm, một cựu tài xế taxi, đã xác nhận ông là người bỏ 170,4 triệu USD mua bức tranh người phụ nữ khỏa thân của danh họa Amedeo Modigliani. Tác phẩm này được bán trong cuộc đấu giá do hãng Christie’s tổ chức ở New York, qua đó trở thành bức tranh đắt giá thứ hai trong lịch sử.
Nói chuyện qua điện thoại từ Thượng Hải, nhà sưu tập người Trung Quốc cho biết ông muốn đưa tác phẩm về thành phố này. Hiện Lưu và vợ có 2 bảo tàng tư nhân đặt ở đây.
“Chúng tôi muốn triển lãm bức tranh nhân kỷ niệm 5 năm thành lập bảo tàng,” ông nói. “Đây sẽ là một cơ hội để những người yêu nghệ thuật được chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời mà không phải rời khỏi đất nước. Đây cũng là một trong những lý do chính để chúng tôi lập ra các bảo tàng.”
Ông Lium, 52 tuổi, đã trả giá qua điện thoại. Ông là một trong 6 người cạnh tranh để mua được bức tranh Modigliani vẽ trong hai năm 1917-1918, có tên Nu Couche. Mức giá cuối cùng để bức tranh được bán là 170,4 triệu USD, kèm phí.
Nó đã cao hơn rất nhiều so với kỷ lục 70,7 triệu USD mà một bức tranh của Modigliani từng đạt được. Với việc ông Liu thắng cuộc đấu giá, đây cũng là bức tranh thứ 10 trên thế giới gia nhập câu lạc bộ các tác phẩm nghệ thuật đạt mức giá gồm 9 con số.
“Tác phẩm của Modigliani đã xác định được giá trị trên thị trường,” ông Liu nói. “Tác phẩm này khá đẹp so với những bức tranh khỏa thân khác của ông. Và các bức tranh khỏa thân của ông đã được một số bảo tàng hàng đầu thế giới sưu tầm từ lâu nay.”
Lớn lên trong nghèo khó tại Thượng Hải, đã có thời gian Lưu phải bán rong túi sách trên phố để kiếm tiền. Sau này ông còn hành nghề tài xế taxi. Sau khi bỏ học trung học cơ sở, ông đã vươn lên nhờ làn sóng mở cửa và cải cách kinh tế ở Trung Quốc. Ông làm giàu thông qua buôn bán cổ phiếu của các ngành bất động sản và dược trong những năm 1980 và 1990. Theo Chỉ số tỷ phú Bloomberg 2015, ông có gia sản trị giá ít nhất 1,5 tỷ USD.
“Với tôi, sưu tầm nghệ thuật về cơ bản là một tiến trình học hỏi về nghệ thuật,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times hồi năm 2013. “Đầu tiên, ông phải yêu thích nghệ thuật. Sau đó, ông phải thấu hiểu về nghệ thuật.”
Ông Lưu, cùng vợ Vương Vi, 52 tuổi, hiện đang là một trong những nhà sưu tầm nghệ thuật “chịu chơi” nhất Trung Quốc. Theo thời gian, họ đã gây dựng được một bộ sưu tập khổng lồ, gồm nhiều tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc truyền thống và đương đại, phần lớn đã được trưng bày ở 2 bảo tàng tư nhân tại Thượng Hải.
Đó là Bảo tàng mỹ thuật Phố Đông, khai trương hồi năm 2012 và Bảo tàng mỹ thuật Tây Ngạn, được khai trương hồi năm ngoái. Vợ ông hiện đang ngồi ghế giám đốc của cả hai bảo tàng.
“Tôi là người nghĩ ra ý tưởng bảo tàng nên sưu tập tác phẩm nghệ thuật quốc tế, từ cách nay 2 năm trước,” bà Vương nói, cho biết thêm rằng chồng rất ủng hộ công việc của mình.
Bộ sưu tập của cặp vợ chồng gồm một tác phẩm tranh thêu trên lụa được tạo ra từ thế kỷ 15 có tên Thangka. Ông Lưu đã mua bức tranh với giá 45 triệu USD, tại cuộc đấu giá do hãng Christie’s tổ chức tại Hong Kong trong năm ngoái. Thương vụ đã lên mặt báo do lập kỷ lục về giá, với một tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc được bán tại cuộc đấu giá quốc tế.
Qua thương vụ này, Lưu đã phá kỷ lục mà ông lập ra nhiều tháng trước. Đó là khi ông bỏ ra 36,3 triệu USD để mua một chiếc chén sứ nhỏ xíu được làm từ đời nhà Minh.
Sau đó, ông gây phẫn nộ khi tải lên bức ảnh với cảnh mình uống trà từ chiếc chén cổ. Có tin nói ông đáng trả công chúng như sau: “Chiếc chén này có niên đại 600 năm. Một hoàng đế và nhân tình của ông từng dùng nó… Tôi chỉ muốn được hít thở trong sự bất tử của họ.”
Được biết với cả hai thương vụ lập kỷ lục kể trên, Lưu đều thanh toán bằng thẻ tín dụng American Express. Điều này khiến ông được nhận nhiều triệu điểm thưởng.
Các chiến thuật tự quảng bá bản thân kể trên của cặp vợ chồng đã khiến một số người trong giới yêu nghệ thuật đương đại ở Trung Quốc so sánh họ với các “đại gia taxi” Robert Scull và vợ Ethel. Đây là những nhà sưu tầm nổi tiếng, thu gom rất nhiều tác phẩm nghệ thuật pop art hồi những năm 1960, nhưng lại bị một số người trong giới nghệ thuật chỉ trích là “giàu xổi” và “dốt nát.”
Nhận xét về ông Lưu và bà Vương, Philip Tinari, giám đốc Trung tâm nghệ thuật đương đại Ullens ở Bắc Kinh, đã nói: “Có những nhà sưu tầm sở hữu rất nhiều tiền, tới mức họ chẳng cần thưởng thức tác phẩm nghệ thuật và luôn mua mọi thứ xuất hiện trước mắt.”
Ông nói thêm: “Họ có rất ít sự phân biệt và luôn mua những món đắt tiền nhất. Họ không phải những người sành sỏi.”
Ông Lưu nói rằng Nu Couche sẽ là tác phẩm đắt giá nhất trong bộ sưu tập của cặp vợ chồng. Nhưng khi được hỏi rằng liệu bản thân có ý định thanh toán tiền mua bức tranh bằng thẻ tín dụng nữa không, ông đã từ chối tiết lộ chi tiết./.
Ý kiến ()