Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 13:39 (GMT +7)
UAE tham vọng xây núi tạo mưa
Thứ 3, 10/05/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Hạn hán luôn là một trong những vấn đề quốc gia lớn mà Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) phải đối mặt. Mỗi năm, UAE chỉ có mưa trong vài ngày, còn nhiệt độ mùa hè thường xuyên ngấp nghé 50oC. Điều này khiến cho UAE mất an ninh nghiêm trọng về nguồn nước.
Trước thực trạng thiếu nước, nhiều nhà khoa học trong những năm qua đã tìm tòi các giải pháp làm tăng lượng mưa trung bình năm của quốc gia vốn chưa đến 120 mm/năm. Một trong những giải pháp tham vọng mà họ tính đến là xây núi nhân tạo.
Dự án này được các nhà khoa học tại Trung tâm Khí tượng và Địa chấn Quốc gia Dubai phối hợp với các cố vấn Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khí tượng (NCAR) tại Mỹ thực hiện. Ông Roelof Bruintjes, trưởng nhóm nghiên cứu tại NCAR, cho biết: “Chúng tôi đang tìm hiểu và đánh giá mức độ ảnh hưởng của một ngọn núi đối với thời tiết. Sẽ có báo cáo thu hoạch đầu tiên vào mùa hè này, coi như là bước khởi động”.
UAE muốn dùng bàn tay con người để tác động tới thời tiết. |
Về mặt lý thuyết, núi đóng vai trò quan trọng trong việc tạo mưa. Lượng hơi ẩm khi gặp núi chắn ngang sẽ buộc phải bốc lên cao và giảm nhiệt độ rồi tạo thành các đám mây. Những đám mây này sau đó tạo thành mưa.
Đối với chính quyền UAE, xây dựng một công trình đồ sộ không phải là vấn đề khó khăn. Nhiều người ắt hẳn từng ngưỡng mộ Quần đảo Cây cọ nhân tạo hay công viên trượt tuyết Dubai trong trung tâm thương mại. Thế nhưng, xây một ngọn núi để “hô mưa” lại là một vấn đề “tầm cỡ” hơn nhiều. Trong đó, điều kiện tiên quyết vẫn luôn là ngân sách và tính hiệu quả.
Trước đây, Hà Lan từng có ý tưởng xây dựng một ngọn núi cao khoảng 1.930 m nhưng số tiền để làm ngọn núi đó dự tính lên tới 230 tỷ USD. Còn với UAE, tính đến hiện tại, chính phủ nước này đã tiêu tốn khoảng 400.000 USD vào dự án xây núi nhân tạo. Theo ban quản lý của NCAR, kinh phí cuối cùng của dự án vẫn sẽ là quá lớn đối với một quốc gia giàu có như UAE.
Bên cạnh đó, hiệu quả tác động đến thời tiết của một ngọn núi nhân tạo dường như không thuyết phục được phần đông các nhà nghiên cứu. Ông Raymond Pierrehumbert, giáo sư vật lý thuộc Đại học Oxford, nhận xét: “Cái cần thiết là phải xây dựng hẳn một ‘dãy núi’ chắn ngang, chứ không chỉ vỏn vẹn ngọn núi hình chóp. Nếu không, không khí sẽ chỉ chạy quanh, chứ không tập trung vào một chỗ và bốc lên trên như dự tính. Và thậm chí nếu như hơi ẩm có ngưng tụ và tạo mưa thật, thì phương pháp này cũng chỉ có lợi cho khu vực sườn núi tiếp xúc với không khí ẩm. Còn sườn đối diện bị khuất, hơi ẩm cùng gió không tới nơi sẽ càng làm cho khu vực bên đó khô hạn hơn. Đây được gọi là hiệu ứng ‘bóng mưa’ trong thời tiết”.
Trước khi nảy ra ý tưởng xây núi, UAE cũng đã đầu tư khoảng 558.000 USD để triển khai 186 hoạt động “gieo mây” (cloud seeding). Đây là phương pháp có thể thay đổi lượng mưa hoặc kiểu mưa tùy ý bằng cách rải vào không khí các chất hóa học đặc biệt như chất làm ngưng tụ hơi nước hoặc các hạt nhân băng để thay đổi quá trình vật lý của hiện tượng mưa. Cho đến nay, dự án “gieo mây” có phần hiệu quả, mặc dù không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra theo đúng kế hoạch. Theo một báo cáo tháng 3/2015, với phương pháp này, có lần UAE đã hứng một trận mưa lớn kèm theo lượng mưa hơn 280 mm chỉ trong 24 giờ đồng hồ, khiến cả thành phố Dubai rơi vào tình cảnh hỗn loạn trong lũ lụt.
Dù vậy, các nhà nghiên cứu hi vọng dự án xây núi có thể kết hợp với “gieo mây” để giải quyết tình trạng hạn hán kéo dài hàng năm.
Ý kiến ()