Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 15:33 (GMT +7)
Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong huấn luyện quân sự
Thứ 4, 22/05/2019 | 10:43:00 [GMT +7] A A
Không chỉ thành công trong các lĩnh vực giải trí, y tế, công nghệ thực tế ảo còn được quân đội Hàn Quốc sử dụng để đào tạo và huấn luyện binh sĩ, đặc biệt là mô phỏng các môi trường nguy hiểm, phức tạp hay tốn kém.
Một học viên quân đội trải qua khóa huấn luyện với trình mô phỏng bắn súng VR tại Học viện quân sự Hàn Quốc ở Seoul. Ảnh: Yonhap
Công nghệ đóng góp một phần không thể thiếu trong các cuộc chiến tranh hiện đại. Để thay đổi chiến thuật quân sự, quân đội Hàn Quốc đã nỗ lực tìm cách huấn luyện binh sĩ trong môi trường giả định sử dụng các công nghệ mới nhất, như công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).
Theo hãng thông tấn Yonhap, Học viện quân sự Hàn Quốc đã phối hợp với các công ty địa phương để phát triển các chương trình đào tạo VR và AR cho các học viên quân đội của mình. Chương trình này dự kiến được thực hiện ở các bãi tập luyện tại Seoul vào cuối năm nay.
Các chuyên gia cho biết một trong những lợi thế chính của VR là khả năng đưa người dùng vào một thế giới ảo an toàn, giảm chi phí và rủi ro, có thể áp dụng trong quá trình đào tạo binh sĩ ở chiến trường.
“Huấn luyện các binh sĩ sử dụng VR và AR có thể tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách cho việc đào tạo quy mô lớn và giảm rủi ro từ những môi trường nguy hiểm. Sẽ có nhiều lợi ích hơn khi kết hợp với trải nghiệm chiến trường thực”, Giáo sư Kim Tae-kyu tại trường Đại học Kwangwoon, Seoul cho biết.
Một trong số hoạt động đào tạo sử dụng công nghệ này là bài tập bắn súng. Bài tập yêu cầu người tham gia đứng phía sau một khẩu súng, với súng thật và tai nghe VR, binh sĩ có thể tự mình loại bỏ kẻ thù hoặc chiến đấu tập thể trong các tình huống tác chiến khác nhau và sẽ được nhận phản hồi về hiệu suất của họ sau khi bắn.
Optimus System, một công ty phát triển súng trường tấn công giả định của Hàn Quốc hợp tác đào tạo chương trình VR cho Học viện quân sự Hàn Quốc, nhận định quá trình đào tạo theo mô phỏng này được thiết kế để phản ánh môi trường chiến đấu thực tế, như tham gia các mục tiêu di chuyển trong đêm.
“Hệ thống này cho phép các binh sĩ tham gia một cuộc chiến mang lại trải nghiệm chiến trường đa chiều. Các học viên thực sự có thể cảm thấy như có một viên đạn phát ra từ súng của họ và khẩu súng này được thiết kế tương tự như súng trường thực tế”, ông Kim Nam-hyuk, CEO của Optimus cho biết.
Các sĩ quan thi đấu trong một cuộc thi robot-máy bay không người lái tại Gyeryongdae, một căn cứ quân sự tổng hợp ở tỉnh Nam Chungcheong. Ảnh: Yonhap
Học viện Quân sự cũng có kế hoạch cung cấp đào tạo nâng cao bằng AR có khả năng triển khai bản đồ địa hình 3D cho các bài tập chỉ huy. Học viện cho biết chương trình AR được thiết kế nhằm cung cấp thông tin địa lý chi tiết trên bản đồ địa phương và tính toán tầm bắn hiệu quả cho các loại đạn pháo khác nhau.
Để đẩy nhanh việc triển khai chương trình đào tạo mới, tháng trước, học viện này đã ký một bản thỏa thuận với công ty vận tải địa phương SK Telecom với mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng 5G trong khuôn viên trường. Khi tốc độ mạng nhanh, tối đa 200 học viên sẽ được tham gia cuộc tập trận ảo và sử dụng bản đồ 3D cho việc chỉ huy chiến trường.
“Bài tập điều hành chỉ huy bằng AR sẽ cho phép các học viên đưa ra phán đoán chính xác hơn trong một trò chơi chiến tranh, với bản đồ 3D nổi trước mắt”, công ty SKT chia sẻ.
Mạng và công nghệ tiên tiến dự kiến thay đổi bối cảnh hàng ngày của các học viên trong phòng tập thể dục và lớp học. SKT nói rằng mỗi học viên sẽ được cung cấp một thiết bị kỹ thuật số có thể đeo được để giám sát vật lý. Khi kết hợp với dữ liệu lớn và mạng 5G, nó sẽ cũng cấp hỗ trợ kiểm tra sức khỏe cá nhân cho các học viên trong thời gian thực.
Chương trình đào tạo nâng cao này là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Chính phủ Hàn Quốc nhằm tạo ra một “quân đội thông minh hơn, tinh gọn hơn” theo sáng kiến “Cải cách quốc phòng 2.0”.
Bộ Quốc phòng nước này trước đó cho biết sẽ tăng ngân sách nghiên cứu và phát triển từ 6,9% năm 2019 lên 8,5% vào năm 2023, dự định chi 21,9 nghìn tỷ won (18,7 tỷ USD) để phát triển vũ khí và công nghệ quân sự mới trong vòng 5 năm tới.
“Khi các công nghệ tương lai phát triển nhanh chóng trong kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta phải tăng cường nỗ lực nghiên cứu và phát triển Quốc phòng để cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”, Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo phát biểu tại Quốc hội vào tháng trước.
Mặc dù quy trình đào tạo dựa trên việc kết hợp thực tế có thể giúp huấn luyện binh sĩ trong nhiều tình huống thực hơn, nhưng các chuyên gia cho biết công nghệ thực tế ảo VR và AR vẫn còn khá mới mẻ và đòi hỏi sự phát triển hơn nữa để trở thành các chương trình đào tạo chính thống, biến chúng thành công cụ hỗ trợ trong giai đoạn này.
Họ cũng lưu ý thêm rằng việc áp dụng công nghệ mới nhất được cung cấp bởi mạng 5G cũng có thể ảnh hưởng đến các vấn đề bảo mật, chẳng hạn như các cuộc tấn công mạng từ đối thủ.
Giáo sư Kim chia sẻ thêm: “Những hạn chế về mặt kỹ thuật còn tồn tại như tai nghe VR có thể gây chóng mặt khi sử dụng trong một thời gian dài. Những loại kính thực tế ảo cần được phát triển hơn để có thể ứng dụng những trải nghiệm thực tế với nội dung, hình ảnh chân thực hơn”.
Ý kiến ()