Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 30/11/2024 17:35 (GMT +7)
Ứng dụng khoa học trong nông nghiệp ĐBSCL – Bài 1: Đột phá từ khâu chọn giống
Thứ 3, 02/07/2019 | 15:19:00 [GMT +7] A A
Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật giới thiệu, chuyển giao đến nông dân các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong những năm gần đây, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, từng bước cải thiện đời sống nông dân, nông thôn trong toàn khu vực.
Mô hình canh tác lúa thông minh cho lúa đạt năng suất cao tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN
Giống lúa, cây ăn quả phù hợp từng vùng sinh thái
Liên quan đến việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao giống mới, kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng hơn với biến đổi khí hậu đã được đẩy mạnh. Các tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt Việt Nam), GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), ASC (tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm) đã được triển khai.
Theo số liệu của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 giống lúa được gieo trồng phổ biến nhất ở các tỉnh, thành trong khu vực, thì có 7 giống lúa do Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo với tổng diện tích gieo trồng chiếm gần 50% diện tích gieo trồng của toàn vùng.
Các giống lúa được chọn tạo cũng rất đa dạng, phù hợp với từng vùng sinh thái và được chia thành một số nhóm phổ biến như: Nhóm giống lúa chính với các giống lúa chủ lực như OM5451, OM6976, OM7347; nhóm giống lúa nếp và thơm đặc sản như: Nàng Hoa 9, nếp Bè…Nhóm các giống lúa chịu mặn: Đa số các giống lúa cải tiến ngắn ngày như OM6976, OM 5451, OM9921, ST5 chịu được mặn ở mức độ trung bình khá. Bên cạnh đó, còn có các giống lúa chịu mặn ở mức độ khá hơn (độ mặn khoảng 4 phần nghìn) như: Giống lúa Một bụi đỏ, OM 2517, OM9577, OM 5464…
Hiện ở ĐBSCL còn có các nhóm giống lúa chịu hạn, có khả năng chịu điều kiện khô hạn từ cấp 1 đến cấp 3 (ở giai đoạn mạ và giai đoạn trổ bông); giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng, có hàm lượng sắt trong hạt gạo cao, góp phần cải thiện dinh dưỡng.
Cùng với việc nghiên cứu về các giống lúa, thời gian qua rất nhiều kỹ thuật mới trong canh tác và bảo vệ thực vật, đặc biệt là các kỹ thuật về bón phân cân đối, quản lý dịch hại tổng hợp, kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế)…, được áp dụng ngày càng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL.
Đối với chương trình nghiên cứu, chọn tạo giống cây ăn quả, đã tuyển chọn và giới thiệu được các giống cây ăn quả chủ lực cho vùng; trong đó có thể kể đến các giống cây ăn quả như: Bốn giống măng cụt BDMC2, BTMC3, BTMC4, BTMC6; giống sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép S1BL; giống cam mật không hạt; giống bưởi đường lá cam ít hạt Long Định 4; giống thanh long có thịt quả màu hồng tím nhạt Long Định 5…
Ngoài ra, các gốc ghép chống chịu mặn, phèn, úng, hạn cũng đã được giới thiệu để phát triển canh tác cây ăn quả ở những vùng khó khăn. Nhiều quy trình sản xuất cây sạch bệnh và canh tác theo hướng an toàn thực phẩm cũng được công nhận là tiến bộ kỹ thuật, tạo thuận lợi để chuyển giao, áp dụng vào sản xuất như: Quy trình sản xuất chuối già cui sạch bệnh bằng kỹ thuật nuôi cấy mô; quy trình sản xuất cây ăn quả và rau theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã được giới thiệu áp dụng vào canh tác đối với cây thanh long, xoài cát Hòa Lộc; quy trình sản xuất cây ăn quả và rau theo tiêu chuẩn VietGAP đã được thực hiện trên cây thanh long, chôm chôm, nhãn, sơ ri, bưởi da xanh, cam sành…ở nhiều địa phương thuộc ĐBSCL.
Nhiều giống thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu
Nông dân huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) thu hoạch lúa trong vụ tôm – lúa 2018. Ảnh: Nam Thái/TTXVN
Việc nghiên cứu, chọn tạo các giống thủy sản chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu mặn… đã góp phần chủ động cung cấp nguồn giống thủy sản chất lượng tốt cho người sản xuất, đồng thời thúc đẩy phát triển ổn định và giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới ngành thủy sản tại ĐBSCL.
Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đối với nuôi trồng thủy sản nước ngọt, các nhà khoa học đã chọn tạo, công nhận giống cá tra, chọn giống nâng cao tốc độ tăng trưởng thế hệ thứ 2 và chuyển giao vào sản xuất giống cá tra bố mẹ, nâng cao tăng trưởng trên 20% kháng bệnh; đã sản xuất cung cấp giống hậu bị cho các cơ sở nuôi thủy sản ở ĐBSCL, góp phần nâng cao chất lượng, bổ sung, thay thế đàn cá bố mẹ, chất lượng con giống, khả năng kháng bệnh, từng bước đáp ứng đủ giống chất lượng cho sản xuất.
Nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất giống nhân tạo đối với cá dứa, góp phần đa dạng hóa loài nuôi và khả năng thich nghi với môi trường mặn, lợ hoặc các khu vực bị xâm nhập mặn. Các nhà khoa học, các chuyên gia cũng đã tạo được công nghệ điều khiển giới tính và công nghệ chọn giống tôm càng xanh, giúp đàn tôm nâng cao tốc độ tăng trưởng.
Về nuôi trồng thủy sản nước lợ, đã nghiên cứu, chọn được giống tôm thẻ chân trắng, tôm sú sạch bệnh tăng trưởng nhanh, cho tốc độ tăng trưởng và khả năng chống chịu với các điều kiện cực đoan. Các cơ quan chức năng cũng đưa ra được quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú, rửa mặn, trồng lúa và lịch mùa vụ cho mô hình canh tác tôm – lúa để đạt được tính bền vững thích ứng với thay đổi của khí hậu.
Các chuyên gia, nhà khoa học đã nghiên cứu thành công công nghệ nhân giống rong sụn bằng phương pháp nuôi cấy mô; nghiên cứu trồng rong bản địa và di giống một số loài rong biển phù hợp với điều kiện tại các ao nuôi tôm nước lợ ở các khu vực bị hoặc có nguy cơ xâm nhập mặn cao thích ứng với biến đổi khí hậu, kết quả đã cho thấy tôm nuôi trong các ao đầm cùng với rong phát triển tốt, rong thích nghi tốt với điều kiện môi trường ao nuôi tôm.
Ý kiến ()