Thứ Hai, 25/11/2024 00:49 (GMT +7)

Ứng dụng Robot xếp gạch trong dây chuyền sản xuất

Thứ 5, 03/11/2022 | 15:00:00 [GMT +7] A  A

Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, thay vì phải cần hàng chục người xếp gạch theo cách làm truyền thống, hiện nay, việc sử dụng Robot xếp gạch có thể thay thế được khoảng 90% nhân công lao động, đồng thời tăng năng suất và giảm tỷ lệ hư hao sản phẩm.

Ứng dụng Robot trong sản xuất gạch xây dựng

Thấy được ưu điểm của việc chuyển đổi công nghệ, công ty TNHH Một thành viên Thuận Lợi Mộc Hóa thuộc xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường đầu tư dây chuyền khép kín, sử dụng kỹ thuật tiên tiến với mức độ tự động hóa cao, nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất. Robot xếp gạch có chi phí đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 250 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp.

Robot được đầu tư với kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng

“Về mặt hiệu quả lao động, cánh tay này thay thế khoảng 15 người lao động phổ thông và giảm đi rất nhiều công đoạn nặng nhọc khác, tạo sự đồng đều của sản phẩm cao, hiệu quả mang lại đối với đơn vị đối với xã hội rất là rõ nét. Đối với các đơn vị thụ hưởng, trong quá trình sau COVID-19, việc tìm được nguồn vốn để khuyến khích, hỗ trợ họ duy trì sản xuất thì chương trình khuyến công đang đáp ứng rất tốt chương trình này và nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp rất cao” – Ông Trần Thanh Toản – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương thông tin.

Chương trình Lễ nghiệm thu Đề án Hỗ trợ ứng dụng Robot xếp gạch

Việc áp dụng hệ thống Robot trong sản xuất gạch tuynel (đọc là tuy nen) nằm trong chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất. Công nghệ sấy đốt tránh lãng phí, gia tăng chất lượng, sản lượng với công suất đạt khoảng 16.000 – 27.000 viên gạch/lần, góp phần tăng doanh thu và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.

Robot xếp gạch cho năng suất cao và hạn chế hư hao sản phẩm

Ông Võ Văn Lợi – Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thuận Lợi Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường chia sẻ: “Thời gian đầu mình khởi động máy thì tỷ lệ đất khô sẽ còn ứ đọng của ngày trước, vấn đề là ra nó bị lỗi 1-2 hòn gạch, sau này trở lại bình thường nó sẽ ổn định lại hết. Cánh tay Robot này tỷ lệ hao hụt gần như bằng 0, không có theo truyền thống hồi xưa, vì khối xếp của nó rất chuẩn, đạt, không bị ngã đổ, không bị vênh. Nếu cánh tay Robot này đạt hiệu quả thì dự tính của công ty là sẽ tiến hành làm cánh tay Robot gấp gạch thành phẩm cho sản phẩm được chuẩn, đẹp hơn thêm nữa”.

Công đoạn khắc tên cơ sở sản xuất lên sản phẩm

Nhờ giảm đến 90% số lượng nhân công tham gia bốc xếp gạch, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ đổ vỡ, hư hại sản phẩm, tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành so với phương pháp cũ, việc sử dụng Robot xếp gạch mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường và công nghệ.

“Chương trình khuyến công thì hiện nay ở địa bàn có một cơ sở của Thuận Lợi đóng trên địa bàn thời gian qua cũng đã giải quyết một số việc làm cho lao động nông thôn trong lúc nhàn rỗi hoặc làm theo vụ mùa, đôi khi cũng làm xuyên suốt, có hợp đồng, bảo hiểm cho công nhân để đảm bảo cuộc sống. Tôi cũng rất mong kêu gọi, khuyến công đầu tư cơ sở vật chất về lĩnh vực phát triển kinh tế ở địa phương. Thời gian tới cũng kêu gọi về đơn vị Bình Tân, ở đây địa phương tạo điều kiện giúp đỡ cho các cơ sở phát triển kinh tế địa phương, thu hút nguồn lao động”, Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường cho biết thêm.

Cơ sở có khoảng 40 người lao động, mỗi ngày sản xuất khoảng 150.000 viên gạch thành phẩm

Sản xuất vật liệu xây dựng được biết đến là ngành tiêu thụ nhiều tài nguyên khoáng sản, năng lượng và phát thải khói bụi. Do vậy, các cơ sở trên địa bàn tỉnh đang được khuyến khích chuyển đổi công nghệ theo hướng hiện đại, bảo vệ môi trường, trong đó có việc ứng dụng Robot xếp gạch, tiến tới loại bỏ hoàn toàn công nghệ lạc hậu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và xuất khẩu./.

Thanh Thủy – Trường Hải

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu