Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 09:11 (GMT +7)
Ủy hội Mekong Quốc tế phê chuẩn tài liệu về thiết kế các dự án thủy điện
Thứ 5, 06/10/2022 | 10:35:41 [GMT +7] A A
VOV.VN - Ngày 4/10, Uỷ hội Mekong Quốc tế (MRC) đã phê chuẩn tài liệu quan trọng những hướng dẫn cụ thể về cách thiết kế các dự án thuỷ điện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và cộng đồng dân cư dọc theo con sông lớn nhất Đông Nam Á này.
Ngoài Hướng dẫn thiết kế sơ bộ (PDG) sửa đổi này, Ủy ban Hỗn hợp Uỷ hội Mekong Quốc tế cũng đã thông qua Hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới (TbEIA). Do sông Mekong chảy qua 4 nước thành viên Uỷ hội Mekong Quốc tế – Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam nên bản hướng dẫn này sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của một dự án đối với quốc gia láng giềng.
Hướng dẫn này cho phép các quốc gia thành viên và các nhà đầu tư có thể thực hiện Đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới với sự hỗ trợ kỹ thuật của Uỷ hội Mekong Quốc tế. Các nước cũng có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của một đập thủy điện hoặc bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng về nguồn nước như sự thay đổi thủy lợi hoặc công trình điều hướng ảnh hưởng đến các vấn đề như dòng chảy, lưu lượng phù sa, chất lượng nước và nghề cá, có thể tác động tiêu cực đến hệ sinh thái sông và các cộng đồng dễ bị tổn thương ở cấp độ xuyên quốc gia hoặc khu vực.
Tiến sỹ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký ASEAN cho biết, đây là bước đột phá lịch sử cho sự hợp tác của Uỷ hội Mekong Quốc tế sau nhiều năm thảo luận. Hai bản hướng dẫn đã chỉ ra chính xác những điều cần làm để giảm thiểu các tác động môi trường xuyên biên giới. Các thành viên sẽ thấy được bản hướng dẫn có lợi như thế nào, không chỉ với đất nước của họ, cộng đồng dân cư địa phương mà còn trong hợp tác với các quốc gia láng giềng.
Các cuộc thảo luận về Hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới đã bắt đầu từ năm 2004, khi thuật ngữ “xuyên biên giới” được đưa vào để để thừa nhận rằng không có vấn đề liên quan đến sông nào chỉ giới hạn ở biên giới của một quốc gia. Hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới kể từ đó đã trở thành chủ đề của nhiều cuộc họp và tham vấn cấp khu vực và quốc gia. Năm nay, chúng tôi khuyến nghị rằng Hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới được thử nghiệm một cách tự nguyện và với sự hỗ trợ của Ban Thư ký Uỷ hội Mekong Quốc tế . Đó là động lực thúc đẩy sự chấp nhận của Ủy ban Hỗn hợp Uỷ hội Mekong Quốc tế, tại cuộc họp định kỳ 6 tháng lần thứ 54 diễn ra vào tuần trước tại Thủ đô Vientiane, Lào.
Với công cụ Hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới hiện có thể được sử dụng - để bổ sung cho luật tác động môi trường của mỗi quốc gia - Uỷ hội Mekong Quốc tế liên chính phủ hy vọng việc xây dựng lòng tin giữa các Thành viên.
Đối với Hướng dẫn thiết kế sơ bộ các công trình thủy điện cũng đã trải qua một quá trình dài đàm phán. Hướng dẫn thiết kế sơ bộ đầu tiên được phê duyệt vào năm 2009, phù hợp với cam kết ban đầu của mỗi quốc gia đối với Hiệp định Mekong 1995. Hướng dẫn gồm sáu vấn đề: Dự di chuyển của phù sa, chất lượng nguồn nước, đời sống thủy sinh, cá và nghề cá, an toàn đập và giao thông đường thủy.
Tuy nhiên, trong những năm qua, các bên liên quan đã xác định được những “bất đồng” trong thảo luận Hướng dẫn thiết kế sơ bộ cũng là vấn đề xuyên quốc gia như: Thủy văn, dòng chảy, cộng đồng ven sông và sinh kế dựa vào dòng sông. Những điều này có ý nghĩa đối với hàng triệu gia đình ngư dân và nông dân, những người dựa vào dòng Mekong để mưu sinh.
Hướng dẫn thiết kế sơ bộ năm 2022 này là kết quả của bốn năm thảo luận, kết hợp với các bài học kinh nghiệm của Uỷ hội Mekong Quốc tế trong một thập kỷ qua, cũng như các phương pháp quốc tế tốt nhất về cách tạo ra sự cân bằng phù hợp. Hướng dẫn thiết kế sơ bộ là một trong những hướng dẫn của Uỷ hội Mekong Quốc tế được các nhà phát triển dự án thủy điện ở các nước biết đến nhiều nhất và được sử dụng thường xuyên.
Đối với các dự án thủy điện hiện có, Hướng dẫn thiết kế sơ bộ (PDG) cập nhật có thể cung cấp hướng dẫn cho các hoạt động. Đối với các dự án sắp triển khai, nó có thể đưa ra hướng dẫn thiết kế tốt, cùng với các biện pháp giảm thiểu nguy cơ liên quan đến công tác xây dựng và quá trình vận hành. Theo như Tiến sỹ Kittikhoun, Hướng dẫn thiết kế sơ bộ này giúp thực hiện các dự án đạt hiệu quả kinh tế, thân thiện với môi trường và có thể duy trì tối đa nguồn tài nguyên cho dòng sông khi triển khai các dự án trên dòng chính sông Mekong./.
PV/VOV-Vientiane
Ý kiến ()