Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 11:46 (GMT +7)
V-League 2016: Chủ sân & chủ giải
Thứ 4, 06/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
VPF vừa tổ chức Hội thảo chuẩn bị cho mùa bóng mới. Ngoài những vấn đề nóng thì chuyện các sân bóng chưa đạt chuẩn cũng khiến nhiều người lo lắng. Tin buồn là nếu làm theo đúng quy định, sẽ có nhiều sân bóng nổi tiếng phải đóng cửa vì không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn. Tình trạng xuống cấp, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho người xem đã tồn tại nhiều năm, dù được cảnh báo nhưng để khắc phục lại không phải muốn là làm được…
Chuyện chủ sân và chủ giải không tìm được tiếng nói chung mùa bóng nào cũng xảy ra. Trong khi VPF muốn đẩy nhanh quá trình “hiện đại hóa” các địa điểm thi đấu để đáp ứng đúng tiêu chuẩn chuyên nghiệp của các CLB thì các sân vận động, vốn dĩ do các địa phương quản lý lại phụ thuộc vào điều kiện của từng nơi. Chẳng hạn như sân Chi Lăng đã được bán đứt cho tập đoàn Thiên Thanh từ vài năm trước để làm dự án, bị chủ sở hữu xẻ thịt, chia ra mười mấy cái sổ đỏ để đem đi cầm cố, vay tiền ở các ngân hàng, giờ thành phố Đà Nẵng vẫn chưa có cách gì để thu hồi lại.
Mùa giải năm ngoái VPF cũng đã du di cho SHB Đà Nẵng được thi đấu trên sân Chi Lăng dù cả mái che và ghế ngồi trên khán đài A và một phần khu B đã bị tháo dỡ. Chuyện nâng cấp gần như là không thể, bởi sân Chi Lăng hiện đang được coi là “điểm nóng” của vụ án kinh tế lớn liên quan đến tập đoàn Thiên Thanh.
Mặc dù CLB SHB Đà Nẵng rất muốn tiếp tục lấy sân Chi Lăng làm sân nhà và được lãnh đạo thành phố ủng hộ, nhưng có mở cửa được hay không thì vẫn đang phải chờ. Trong đợt khảo sát mới đây, VPF đề nghị CLB SHB Đà Nẵng phải khẩn trương nâng cấp, lắp lại mái che ở khán đài A, ghế ngồi phục vụ khán giả ở khu vực khán đài B và tiến hành sửa chữa một số hạng mục khác để đáp ứng yêu cầu tổ chức, thi đấu, nhưng trong tình cảnh hiện tại, đụng vào sân Chi Lăng là cả vấn đề.
Trên thực tế, ở V-League hiện tại đâu chỉ có SHB Đà Nẵng bị mắc kẹt bởi chuyện sân bóng. Trước đó, lãnh đạo CLB SLNA cũng đã phải lên tiếng trước nguy cơ sân Vinh sẽ phải đóng cửa ở mùa giải tới vì không đáp ứng được các yêu cầu của VPF. Cụ thể khán đài B và một số công trình phục vụ thi đấu đã xuống cấp trầm trọng sau nhiều năm sử dụng. Nếu không kiếm được vài chục tỷ đồng để nâng cấp, nhiều khả năng đội bóng SLNA sẽ phải tìm địa điểm thi đấu khác hoặc nhờ BTC giải chỉ định sân trung lập. Tình trạng xuống cấp, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho người xem đã tồn tại nhiều năm ở các sân bóng, dù đã được cảnh báo nhưng để khắc phục lại không phải muốn là làm được. Thậm chí năm ngoái, BTC sân Long An phải giới hạn số lượng người xem và khoanh vùng các khu vực nguy hiểm để phòng sự cố. Mùa này, Công ty cổ phần phát triển bóng đá Long An vừa ra mắt dự định chi 9 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp nhưng không phải CLB nào cũng có tiền và cơ chế thoáng như Long An.
Mối bận tâm của VPF về cơ sở vật chất, điều kiện sân bãi, tổ chức thi đấu vì vậy cũng nhiều hơn. Tiếng là chuyên nghiệp, nhưng ở V-League hiện tại chỉ vài ba CLB được giao quyền tự chủ, hay nói các khác là có đủ tư cách làm chủ sân bóng. Trong số 14 CLB đang thi đấu ở V-League, hiện chỉ có duy nhất HA.GL được giao toàn quyền sử dụng sân Pleiku hay cũng có thể nói là được sở hữu sân bóng riêng. Tuyệt đại đa số các đội bóng đang thi đấu ở giải Chuyên nghiệp cũng như hạng Nhất đều phải dùng chung sân vận động, vốn là tài sản đáng giá nhất của ngành TDTT các địa phương. Có lẽ vì vậy mà ngay cả khi các sân bóng không đạt chuẩn, thậm chí nguy hiểm với khán giả vào xem thì các CLB cũng không có sự lựa chọn nào khác.
VPF với tư cách chủ giải dĩ nhiên là biết rõ mọi chuyện, bởi trước mỗi mùa bóng đều cử đoàn đến tận nơi kiểm tra trên thực địa, nhưng để khắc phục tình trạng xuống cấp ở các sân bóng không chỉ do các CLB mà còn phụ thuộc vào khả năng tài chính cũng như nhu cầu của từng địa phương, có thực sự muốn nâng cấp theo chuẩn chuyên nghiệp của VPF hay không?
Nguồn: ĐAN PHƯỢNG – thethaovietnam.vn
Ý kiến ()