Thứ Tư, 27/11/2024 17:26 (GMT +7)

Vaccine COVID-19 của Trung Quốc ít tác dụng phụ, chưa có ca tử vong nào

Thứ 7, 29/05/2021 | 09:50:00 [GMT +7] A  A

Trung Quốc đã lần đầu tiên công khai dữ liệu phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 do nước này sản xuất. Không có trường hợp tử vong nào được báo cáo và tỷ lệ gặp phản ứng nghiêm trọng chỉ chiếm 0,07%.

Tiêm vaccine COVID-19 tại một điểm lưu động ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Trung Quốc đã lần đầu tiên công bố dữ liệu về phản ứng phụ ở những người được tiêm vaccine COVID-19 do nước này sản xuất, khẳng định tỷ lệ sự cố rất thấp.

Ngày 28/5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết trong số 265 triệu liều vaccine được tiêm từ giữa tháng 12/2020 đến cuối tháng 4/2021, có 31.500 trường hợp báo cáo tác dụng phụ, tương đương với khoảng 12 trường hợp/100.000 liều.

CDC Trung Quốc thông báo: “Tỷ lệ bị các phản ứng phụ sau tiêm vaccine COVID-19 thấp hơn mức trung bình của các vaccine khác vào năm 2019”.

“Đánh giá hiện tại cho thấy rằng các phản ứng bất thường nghiêm trọng [trên toàn cầu] là cực kỳ hiếm. Lợi ích của việc chủng ngừa COVID-19 cao hơn nhiều so với rủi ro ”, cơ quan này tuyên bố.

CDC Trung Quốc cho biết các phản ứng nhẹ là loại phổ biến nhất được báo cáo, chiếm hơn 80% tổng số. Các phản ứng này bao gồm sốt trên 38,6 độ C và sưng tấy ở vết tiêm. Số còn lại là các “phản ứng bất thường”, gồm dị ứng phát ban, sưng mặt và phản ứng dị ứng nghiêm trọng, chỉ chiếm 0,07%.

Chiến dịch tiêm chủng ban đầu được triển khai chậm ở Trung Quốc, khi công chúng còn có tâm lý do dự. Tuy nhiên, chiến dịch này đã được đẩy nhanh trong tháng 5 này, và đến ngày 27/5, đã có gần 585 triệu liều vaccine được tiêm.

Trung Quốc đang lưu hành 7 loại vaccine phát triển trong nước, bao gồm một loại do công ty nhà nước Sinopharm điều chế, hiện đã được Tổ chức Y tế Thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Báo cáo nói trên của CDC Trung Quốc được đưa ra hai ngày sau khi nhà sản xuất thuốc Sinopharm công bố kết quả tạm thời từ thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine COVID-19 của họ.

Theo đó, 40.411 người tham gia thử nghiệm, hầu hết là người lớn khỏe mạnh từ 18 đến 59 tuổi, chia đều thành ba nhóm, được tiêm vaccine từ các chi nhánh của Sinopharm ở Bắc Kinh, Vũ Hán hoặc tiêm giả dược.

Vaccine COVID-19 của Sinopharm/Trung Quốc đã được WHO phê duyệt sử dụng. Ảnh: Business Insider

Dữ liệu thử nghiệm cho thấy, vaccine sản xuất tại nhà máy Sinopharm ở Bắc Kinh có thể cung cấp 78,1% khả năng bảo vệ trước loại mắc COVID-19 có triệu chứng, nhưng tỷ lệ này giảm xuống 73,5% khi tính đến cả các trường hợp không có triệu chứng.

Tổng cộng 142 trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng đã được ghi nhận trong thử nghiệm, gồm 26 trường hợp từ nhóm tiêm vaccine ở Vũ Hán, 21 từ nhóm vaccine Bắc Kinh và 95 trường hợp từ nhóm giả dược.

Chỉ có hai trường hợp mắc COVID-19 nghiêm trọng được xác định trong nhóm tiêm giả dược và không có trường hợp nào trong hai nhóm được tiêm chủng. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho biết thử nghiệm không cung cấp đủ dữ liệu để đưa ra kết luận về khía cạnh này.

Các tác giả viết: “Những kết quả này nên được diễn giải một cách thận trọng với một số lượng nhỏ các trường hợp nghiêm trọng. Không thể đưa ra kết luận về hiệu quả ngăn ngừa các trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng.”

Trong khi đó, tại Anh, những người được chủng ngừa có thể tự nguyện báo cáo các phản ứng có hại hoặc tác dụng phụ nghi ngờ sau khi tiêm chủng cho cơ quan quản lý, ngay cả khi người đó có thể không chắc chắn liệu đó có phải là do tiêm chủng hay không. Tính đến ngày 19/5, Cơ quan y tế Anh đã phân tích gần 247.000 báo cáo về tác dụng phụ nghi ngờ sau khi sử dụng gần 58,5 triệu liều vaccine COVID-19.

Thu Hằng/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/the-gioi/vaccine-covid19-cua-trung-quoc-it-tac-dung-phu-chua-co-ca-tu-vong-nao-20210529090257276.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu