XK sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu vẫn là một trong những hướng chính để tiêu thụ vải thiều. Năm nay cũng không ngoại lệ khi hội nghị tiếp xúc với các DN Trung Quốc NK vải thiều vừa được UBND các tỉnh: Lào Cai, Bắc Giang, Hải Dương tổ chức tại Lào Cai. Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, trong năm 2016, sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 130.000 tấn, trong đó dự kiến sẽ XK khoảng 40% sang Trung Quốc.
“Với con số XK này, thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống và quan trọng đối với vải thiều Bắc Giang. Chính vì vậy tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương nhân trong và ngoài nước, nhất là thương nhân Trung Quốc đến thu mua vải thiều tại Bắc Giang”, ông Thái khẳng định.
Theo vị lãnh đạo tỉnh này, rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm 2016, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo kế hoạch SX và tiêu thụ vải thiều rất sớm, trong đó tập trung chỉ đạo SX vải thiều chất lượng, mẫu mã đẹp để đáp ứng XK vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, đổi mới cách làm xúc tiến tiêu thụ vải, theo hướng cởi mở hơn trong việc chủ động tiếp cận các thương nhân nước ngoài, thương nhân có điều kiện tìm hiểu khảo sát thị trường và ký hợp hợp đồng thụ vải thiều.
Đối với tỉnh Hải Dương, theo ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thực tế Hải Dương luôn quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều. Tỉnh đã tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải quả và nông sản của tỉnh; tạo điều kiện giúp các DN tham gia các hội chợ, triển lãm; tổ chức các đoàn nghiên cứu, khảo sát thị trường trong nước và quốc tế; liên kết với các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là đối với thị trường Trung Quốc.
“Hiện vải thiều của Hải Dương đã XK được khoảng 25% sản lượng, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc”, ông Cương nói. Thống kê quy mô XK vải thiều, ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khẳng định, tổng lượng vải thiều XK mùa vụ 2015 đạt 98.000 tấn (chiếm khoảng 40% tổng sản lượng vải thiều của các tỉnh có cây trồng này).
Trong đó, XK vải thiều sang thị trường Trung Quốc qua 3 cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang là 91.000 tấn, chiếm khoảng gần 93% tổng sản lượng XK. “Thống kê cho thấy lượng XK vải thiều qua cửa khẩu Lào Cai – Hà Giang đạt 25.000 tấn với kim ngạch 12 triệu USD (chiếm tỷ trọng 28% trong tổng kim ngạch XK vải thiều của cả nước)”, ông Hải cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2016 này, để hoạt động XK nhóm hàng nông sản, đặc biệt là vải thiều, sang thị trường Trung Quốc phát triển bền vững, củng cố thương mại hai nước, Bộ Công thương khuyến khích DN hai nước làm ăn chính quy, chủ động phổ biến cho nhau những quy định của hai bên để cùng nắm bắt và thực hiện tốt chủ trường pháp luật của hai nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước phía Trung Quốc phối hợp với Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK giữa hai nước. Một trong những ách tắc trong việc XK vải thiều sang Trung Quốc là công tác thông quan.
Năm nay, những vướng mắc trên sẽ từng bước được khắc phục tại cửa khẩu Hà Khẩu khi Cục Hải quan Lào Cai đã chỉ đạo các Chi cục Hải quan tạo điều kiện tốt nhất cho các DN XK vải thiều. Đồng thời, chủ động đàm phán với Trung Quốc mở cửa sớm và ưu tiên XK vải đầu tiên.
“Chúng tôi sẽ phân luồng hàng hóa, cấp C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa – PV) ngay tại cửa khẩu để quả vải sang thị trường Trung Quốc nhanh nhất. Ngoài ra, lực lượng Hải quan Lào Cai sẽ thực hiện tốt vai trò đầu mối xúc tiến thương mại, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về giao thông, bến bãi và các thủ tục hành chính góp phần bảo đảm thông quan nhanh nhất, tránh ách tắc”, ông Trần Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai, khẳng định.
Về phía các địa phương có vải thiều, lãnh đạo các tỉnh đã cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các DN về thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, tăng cường công tác quản lý thị trường nhằm hạn chế tình trạng gian lận thương mại trong SX, thu mua và chế biến vải thiều… Bên cạnh đó, các địa phương XK vải thiều tươi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ hỗ trợ như: nguồn vốn tín dụng, nguồn điện cho các cơ sở SX thùng xốp, nước đá, kho bãi, vận tải, nhà hàng, khách sạn, nguồn nhân lực.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), việc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội chính thức đi vào hoạt động, phục vụ cho chiếu xạ hoa quả XK sẽ mở ra triển vọng rất lớn cho việc XK mặt hàng này tại phía Bắc trong năm 2016, nhất là vải, nhãn bởi có nhiều thuận lợi. DN XK sẽ không còn phải vận chuyển hoa quả vào Nam để chiếu xạ như năm trước. Trực tiếp chiếu xạ tại Hà Nội, DN có thể giảm được từ 15-16 triệu đồng/tấn so với việc phải vận chuyển vào Nam, đồng thời giúp rút ngắn được thời gian phân phối.
Ông Dương Bằng, Phó huyện trưởng Chính quyền nhân dân huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) khẳng định, phía Hà Khẩu sẽ đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương giữa hai bên; xem xét để thủ tục thông quan vải thiều được hài hòa. Tuy nhiên, chính quyền huyện Hà Khẩu cũng yêu cầu DN Việt Nam tuân thủ theo đúng thủ tục thông quan của hai nước./.
Ý kiến ()