Sách là nguồn tri thức vô hạn của nhân loại. Đọc sách là để nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt, là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Sách mang đến nguồn tri thức để người đọc có thể trải nghiệm, học tập, nghiên cứu, để làm giàu thêm vốn sống của bản thân mỗi người.
Đọc sách còn thể hiện nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội, nhất là đối với cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Nhà nước.
Hiện nay, ở các nước phát triển như: Israel, Pháp, Nhật Bản, trung bình 1 người dân đọc từ 20 cuốn sách /năm. Các nước trong khu vực như: Singapore, số sách người dân đọc trung bình là 14 cuốn/năm; Malaysia là 10 cuốn/năm. Còn ở Việt Nam, trung bình 1 người chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là sách khác. Như vậy, văn hóa đọc sách của người dân còn rất hạn chế.
Phát biểu tại buổi khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết: Ngày sách Việt Nam lần thứ 3 nhằm mục đích tôn vinh văn hóa đọc, khơi dậy thói quen và niềm yêu thích đọc sách trong cán bộ, công chức của cơ quan Bộ. Bên cạnh đó là góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo dạy-học ở các nhà trường nói chung và công tác quản lý các thư viện trường học đổi mới hoạt động, thúc đẩy phong trào đọc sách trong nhà trường nói riêng.
Ngày sách Việt Nam lần thứ 3 cũng là hoạt động thiết thực thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Nhân đây, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đề nghị cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Giáo dục cần nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, dành thời gian trong ngày, trong tuần để đọc sách, đọc các văn bản quản lý Nhà nước để hiểu sâu sắc về pháp luật nói chung và các văn bản quản lý chuyên môn nói riêng nhằm nâng cao chất lượng giải quyết công việc hàng ngày của mỗi người để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo./.
Ý kiến ()