Thứ Năm, 28/11/2024 08:57 (GMT +7)

Vệ tinh Việt Nam tự hào ‘sánh vai cùng các cường quốc năm châu’

Thứ 5, 16/05/2019 | 09:06:00 [GMT +7] A  A

Cách đây 6 năm, ngày 19/10/2013 đã đi vào lịch sử của ngành vũ trụ Việt Nam khi một vệ tinh siêu nhỏ “Made in Vietnam” mang tên PicoDragon có khối lượng 1 kg, được phát triển bởi các nghiên cứu và kỹ sư trẻ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, đã phóng thành công vào quỹ đạo từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Đây là cột mốc quan trọng trong việc đánh dấu PicoDragon trở thành vệ tinh do Việt Nam tự phát triển đầu tiên hoạt động thành công trong không gian. Vệ tinh PicoDragon là sản phẩm đầu tay của đội ngũ phát triển vệ tinh của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, được chế tạo với mục đích đo đạc thông số chụp ảnh vệ tinh, đo đạc thông số môi trường vũ trụ.

Nối tiếp thành công bước đầu, ngày 18/1/2019, vào 9 giờ 50 phút 20 giây giờ Nhật Bản (tức 7 giờ 50 phút 20 giây giờ Việt Nam), thêm một mốc son được ghi dấu trong lịch sử phát triển ngành vũ trụ Việt Nam khi vệ tinh MicroDragon do các nhà khoa học Việt Nam phối hợp chế tạo đã được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa tại bãi phóng Uchinoda ở phía Nam Nhật Bản. Sự kiện này đánh dấu Việt Nam đang dần làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh nhờ chính đội ngũ kỹ sư và các nhà khoa học Việt Nam.

Vệ tinh Micro Dragon của Việt Nam được phóng lên từ tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản. Ảnh: TTXVN phát

Vệ tinh MicroDragon – “Made by Vietnamese” nằm trong khuôn khổ Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản thực hiện nhiệm vụ “Đào tạo 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ và thực hành chế tạo thử nghiệm một vệ tinh Micro (khối lượng khoảng 50 kg) tại một số trường đại học của Nhật Bản”. Sau khi đưa lên quỹ đạo, nhiệm vụ chính của vệ tinh MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam. Việc thu được ảnh của vệ tinh MicroDragon là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng Vệ tinh trên thế giới, nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhanh trong các hoạt động như phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Để có được thành công này, 36 học viên là các cán bộ nghiên cứu trẻ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam theo học tại 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản đã tham gia vào khóa học thạc sỹ công nghệ vệ tinh, đồng thời, trực tiếp thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh MicroDragon dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản. Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng các cán bộ Trung tâm, giai đoạn thiết kế và chế tạo ban đầu đã hoàn thành, chứng minh lộ trình làm chủ công nghệ vệ tinh của Việt Nam được hiện thực hóa một cách rõ nét.

Nhớ lại những ngày đầu đầy khó khăn ấy, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam Phạm Anh Tuấn trầm ngâm kể: Vào thời điểm đó, điều khó khăn nhất chính là gây dựng, tập hợp được một nhóm nghiên cứu để phát triển MicroDragon, vì Việt Nam chưa hình thành được đội ngũ chuyên về lĩnh vực vũ trụ. Và điều khó khăn nữa là phải đào tạo đội ngũ này học hành bài bản. Giải bài toán này, Trung tâm đã quy tụ được 36 học viên là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam theo học tại 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản trong thời gian 5 năm. Vượt qua rất nhiều khó khăn, 36 học viên trẻ tuổi đời, nhưng với đam mê, nhiệt huyết cháy bỏng đã phối hợp chặt chẽ để cùng tạo nên một kỳ tích thứ hai. Anh Tuấn nói vui, nhưng ánh mắt ngời lên sự tin tưởng, tự hào: Đội ngũ này chính là U30 của ngành vũ trụ Việt Nam.

Vệ tinh Micro Dragon được các kỹ sư JAXA lắp đặt để thử nghiệm trọng tâm. Ảnh: TTXVN phát

Chia sẻ với chúng tôi, anh Tuấn cho rằng khởi nguồn những kết quả bước đầu của ngành vũ trụ non trẻ chính là quyết tâm học Bác, làm theo Bác bằng đam mê cống hiến cho đất nước. Chính những câu chuyện về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khát khao cháy bỏng đưa dân tộc Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu là động lực, là niềm tin lớn lao để các thành viên của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chung sức, đồng lòng biến ước mơ ấy thành hiện thực.

Anh khẳng định, 36 cán bộ của Trung tâm tham gia phát triển MicroDragon nếu không mang trong mình lòng đam mê, nhiệt huyết, nếu chỉ nghĩ đến những quyền lợi trước mắt, thì khó có thể vượt qua thử thách, khó khăn để hiện thực hóa vệ tinh “Made in Vietnam”.

Thành công này có được, theo Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, cũng là nhờ thấm nhuần tinh thần đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 36 con người sinh sống, học tập tản mạn tại 5 trường đại học của Nhật Bản đã quy tụ thành một đội đoàn kết, nhất trí cùng ban lãnh đạo Trung tâm vượt qua rất nhiều thử thách để đi tới kết quả cuối cùng ngày 18/1/2019.

Anh Tuấn tâm đắc coi sự đoàn kết vượt khó mà các U30 của vũ trụ Việt Nam gây dựng và giữ vững, chính là cội nguồn của thành công. Trong một guồng máy hoạt động bền bỉ đó, chỉ cần một cá nhân, một mắt xích không đoàn kết, hợp tác khắc phục khó khăn thì không thể đi tới kết quả cuối cùng.

Nghe anh xúc động kể về những cán bộ trẻ của mình đã phải một mình nơi đất khách, vượt qua những áp lực của cuộc sống, của công việc, những cám dỗ đời thường để nung nấu, hoàn thành ước mơ vì tương lai của ngành vũ trụ nước nhà, mới thấy trân trọng những thành quả bước đầu mà Trung tâm có được.

Trong nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc với Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam Phạm Anh Tuấn, lắng đọng sâu sắc nhất cũng chính là lửa nhiệt huyết với con đường mà anh đã lựa chọn, cống hiến để phát triển nền vũ trụ Việt Nam. Anh tâm sự: “Mình cảm nhận Nhà nước giao trọng trách cho mình, mình phải có trách nhiệm thực hiện vì đất nước”. Chính vì cảm nhận đó, trách nhiệm đó, anh đang tiếp tục miệt mài cùng các đồng nghiệp đặt những nền móng vững chắc để vũ trụ Việt Nam có những bước tiến mới.

Một thách thức đang đặt ra trên toàn cầu, đó là biến đổi khí hậu đang có những tác động lớn đối với sự phát triển bền vững của từng quốc gia. Vì vậy, việc làm chủ được công nghệ chế tạo vệ tinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Một ví dụ như trước đây công nghệ vệ tinh được sử dụng để cung cấp thông tin sớm nhất khi bão lũ xảy ra, và hiện nay vệ tinh còn được sử dụng để chụp các bức ảnh cung cấp thông tin nhanh nhất về tình trạng sạt lở đất, cháy rừng, tác động đến đời sống của người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Việc có vệ tinh riêng sẽ giúp Việt Nam chủ động, đa dạng hóa nguồn ảnh vệ tinh phục vụ nhiều mục đích khác nhau, như cảnh báo thiên tai, thảm họa, cũng như phòng, chống biến đổi khí hậu…

Thành công ban đầu trong việc phóng và vận hành vệ tinh MicroDragon trên quỹ đạo là động lực khích lệ giúp đội ngũ tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam có thể phát triển và thực hiện được các công việc khó khăn hơn trong tương lai. Với một chiến lược, tầm nhìn dài hạn cho nhiều năm về sau được định hướng từ Chính phủ, sự phát triển của công nghệ vũ trụ tại Việt Nam trong thời gian tới là một lĩnh vực hứa hẹn nhưng cũng đầy thử thách. Nuôi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cùng với việc từng bước làm chủ công nghệ sẽ là những nhiệm vụ cốt lõi trong thời gian tới của ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể thực hiện giấc mơ sản xuất vệ tinh “Made in Vietnam”, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ vũ trụ thế giới.

Con đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, chông gai, phải đồng lòng vượt qua, nhưng đúng như khẩu hiệu được đặt trang trọng tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam: “Nâng tầm ước mơ”, với nhiệt huyết và niềm đam mê cống hiến của đội ngũ kỹ sư, các nhà khoa học tài năng, ngành vũ trụ Việt Nam đang có những bước đi vững chắc để bay vào không gian bao la, thỏa lòng mong mỏi lúc sinh thời của Bác Hồ kính yêu.

Theo Quỳnh Hoa (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu