Thứ Sáu, 29/11/2024 03:36 (GMT +7)

Việt Nam chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi

Thứ 2, 10/09/2018 | 15:33:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta là rất cao qua các nước có tỉnh giáp biên giới.

Ngày 10/9, trao đổi với phóng viên VOV, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta là rất cao qua các nước có tỉnh giáp biên giới với nước ta.

Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn yêu cầu người dân chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam (Ảnh: Người lao động)

Dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị, gây chết ở lợn với tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, dịch này không gây bệnh trên người. Cục Thú y khuyến cáo, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng. Bởi, virus dịch tả lợn có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao nên vi rút có thể tồn tại được trong thời gian từ 3 đến 6 tháng; virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C trong 70 phút hoặc 60 độ C trong 20 phút.

Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, người chăn nuôi và chính quyền địa phương các cấp khi phát hiện lợn bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, bị chết cần báo ngay cho thú y xã, cơ quan thú y nơi gần nhất. Việc giấu dịch, giữ lợn bệnh để tự điều trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bùng phát, khó khống chế và kiểm soát dịch.

“Phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý ngay không để lây lan. Bất kỳ ai khi phát hiện lợn bệnh cần báo ngay cho nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương và cơ quan thú y nơi gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm trước khi thực hiện việc tiêu hủy đàn lợn, sản phẩm lợn kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần tổ chức ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, các biện pháp phòng chống theo quy định, đặc biệt phải dừng việc vận chuyển, lợn, sản phẩm lợn kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín từ vùng dịch để tránh dịch lây lan”, ông Đàm Xuân Thành nói.

Theo Tổ chức Thú y thế giới từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9/2018 đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp giáp giữa châu Âu và châu Á ghi nhận dịch tả lợn châu Phi, với tổng số lợn phải tiêu hủy là hơn 500.000 con. Tại Trung Quốc, từ đầu tháng 8 đến nay đã ghi nhận 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Triết Giang, với tổng số hơn 38 nghìn con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy./.

Theo Minh Long/VOV1

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu