Thứ Tư, 27/11/2024 07:26 (GMT +7)

Việt Nam là thành viên rất tích cực, có vai trò quan trọng trong UNESCO

Thứ 4, 28/07/2021 | 08:56:00 [GMT +7] A  A

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) là diễn đàn giúp Việt Nam bảo vệ lợi ích, nâng cao vị thế và uy tín quốc gia, chủ động triển khai có hiệu quả hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa. Sau 45 năm gia nhập tổ chức này, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực, có trách nhiệm vào tổ chức được coi là “Ngôi nhà trí tuệ” của thế giới.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập UNESCO (tháng 7/1976), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Michael Croft – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam về mối quan hệ hợp tác Việt Nam-UNESCO thời gian qua và tương lai cũng như những đóng góp của mối quan hệ này trong việc quảng bá, nâng cao hình ảnh Việt Nam với quốc tế.

Ngày 7/7/2020, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris, Pháp, Ủy ban Chương trình và Quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành UNESCO khóa 209 đã thông qua quyết định công nhận Công viên Địa chất Đắk Nông là Công viên Địa chất toàn cầu. Trong ảnh: Hồ Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông, thắng cảnh được ví là “Vịnh Hạ Long trên Cao nguyên”. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Xin ông cho biết những đánh giá khái quát về vai trò, đóng góp của thành viên Việt Nam với UNESCO?

Theo tôi, nếu để đưa ra một đánh giá chung về vai trò của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, thì đây là câu trả lời dễ dàng nhất: cực kỳ tích cực. Từ khi gia nhập UNESCO, Việt Nam đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục đảm nhận những vai trò quan trọng trong các hội đồng thuộc UNESCO.

Việt Nam là nước thành viên hoạt động rất tích cực trong công tác lãnh đạo thuộc nhiều ủy ban khác nhau. Việt Nam cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc triển khai các nghị quyết và công ước mới thuộc lĩnh vực văn hóa. Theo tôi, Việt Nam đã rất thành công trong công cuộc hỗ trợ triển khai công ước về phổ biến và thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thể hiện rất rõ với các quốc gia thành viên khác về các phương pháp để có thể tận dụng tốt nhất những danh hiệu được UNESCO vinh danh, và chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua việc các danh hiệu “Di sản Thế giới”, “Công viên địa chất”, “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” đã trở thành phương tiện để Việt Nam phát triển. Cũng như chúng tôi vẫn thường nói, đối với UNESCO, yếu tố văn hóa chính là trung tâm của sự phát triển. Chính vì thế, để nói về vai trò của Việt Nam trong mối quan hệ với UNESCO, có thể khẳng định Việt Nam luôn là một thành viên hoạt động sôi nổi, tích cực và luôn làm việc với tiêu chí hướng đến một mục tiêu cao hơn.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng, lần ứng cử đầu tiên của Việt Nam cho một vị trí lãnh đạo trong Liên hợp quốc là vào năm 2017 với tổ chức UNESCO. Điều này cho chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của UNESCO đối với Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện cách mà Việt Nam nhìn nhận vai trò của mình đối với UNESCO.

Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ hợp tác những năm qua giữa UNESCO và Việt Nam?

Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO đang phát triển và có những xu hướng thay đổi. Và nếu nhìn lại, tôi nghĩ rằng những gì chúng tôi thực hiện trong quá khứ, trong những năm 1990 và thậm chí là những thập kỷ trước đó, là những hỗ trợ để phát triển. Điều này đang biến đổi khi Việt Nam bắt đầu có những thay đổi.

Việt Nam hiện tại là một đất nước có mức thu nhập trung bình, đồng thời nắm trong tay một nguồn tài nguyên đa dạng. Việt Nam từ trước đến nay luôn có thể đưa ra được những quyết định chiến lược. Tôi nghĩ rằng, những gì Việt Nam mong chờ ở Liên hợp quốc là có được sự ủy nhiệm từ tổ chức này, để có thể tận dụng một cách sáng tạo những ưu thế trên.

Chủ trương hiện tại của UNESCO tại Việt Nam là ít tập trung vào những dự án phát triển hỗ trợ trực tiếp, mà thay vào đó dồn sự chú ý vào việc hợp tác với Chính phủ, các tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục và với khu vực tư nhân để xây dựng những gì mà tôi muốn gọi là “liên minh” những mối quan tâm về các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, truyền thông và thông tin. Chính vì vậy, có thể nói, đây là một sự thay đổi đáng kể. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, điều này rất quan trọng đối với bối cảnh mới của Việt Nam trong thế kỷ 21.

Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa là chúng ta đang sống trong một xã hội và một nền kinh tế đang thay đổi cực kỳ nhanh chóng và cực kỳ toàn diện. Mối quan hệ của chúng ta cũng dựa trên bối cảnh đó mà cùng nhau phát triển.

Thưa ông, UNESCO sẽ có những hỗ trợ, hợp tác như thế nào với Việt Nam trong thời gian tới để tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ kỹ thuật số?

Tôi nghĩ rằng khi xem xét đến quá trình số hóa, có hai khía cạnh để nhìn vào. Đầu tiên, tôi cho rằng UNESCO sẽ xem xét đến những tiêu chuẩn toàn cầu. Để đưa ra một ví dụ cụ thể, tôi xin phép nhắc đến những dự án mà trong đó UNESCO sẽ đề ra những khuôn khổ đạo đức đối với trí tuệ nhân tạo với các quốc gia thành viên để cùng nhau xem xét và bỏ phiếu.

Tôi cho rằng, Việt Nam đang giữ một vai trò quan trọng trong UNESCO, cũng như các cuộc thảo luận về việc đặt ra những tiêu chuẩn toàn cầu trong vấn đề quản lý quá trình số hóa. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có một vai trò trong các cuộc thảo luận về vấn đề đảm bảo nền giáo dục, sự phổ cập giáo dục và chất lượng giáo dục được tiếp diễn trong đại dịch COVID-19.

UNESCO đã và đang chủ động đề ra các cuộc thảo luận này, bởi trong bối cảnh COVID-19, tất cả mọi người đều phải đối mặt với những tình huống mới. Tôi nghĩ nó sẽ khác một chút ở Việt Nam. Tôi cũng cho rằng, tại Việt Nam, cũng như các quốc gia khác, đại dịch COVID-19 đã phơi bày sự tồn tại của khái niệm “khoảng cách số” (tình trạng bất bình đẳng trong khả năng truy cập và sử dụng công nghệ).

Có thể thấy rằng, quá trình số hóa đã phát triển rất nhanh trong thời đại dịch COVID-19, nhưng nếu bạn không có khả năng truy cập kỹ thuật số, không có khả năng truy cập vào mạng Internet cũng như công nghệ số, khoảng cách đó sẽ ngày càng nới rộng. Vấn đề này cũng khá là quan trọng trong mối liên hệ đến lĩnh vực dân tộc thiểu số như Liên hợp quốc cũng như Chính phủ thường hay đề cập, bởi đó là một nguyên tắc của Chương trình nghị sự năm 2030: không ai bị bỏ lại phía sau.

Khía cạnh còn lại mà tôi muốn đề cập đến chính là việc đơn giản hóa những cuộc đối thoại giữa khu vực tư nhân và các bên liên quan từ Chính phủ. Khi nói đến chương trình đào tạo và cải tiến kỹ năng, các chương trình giáo dục nghề nghiệp, tôi sẽ nghĩ đến Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cũng như tôi sẽ nghĩ đến Bộ Giáo dục và Đào tạo khi nhắc đến những chương trình giáo dục. Việc đơn giản hóa những cuộc thảo luận giữa khu vực tư nhân, các trường đại học và các bên của Chính phủ để mọi người biết rằng quá trình số hóa phức tạp đã tạo ra nhiều thử thách cho mọi người, đồng thời cũng đảm bảo một sự hiểu biết chung giữa các bên liên quan trong vấn đề quá trình số hóa có ý nghĩa như thế nào đối với họ và về việc họ có thể cùng hợp tác ra sao.

Xin ông cho biết những khuyến nghị của UNESCO đối với Chính phủ Việt Nam để quảng bá, nâng cao hình ảnh Việt Nam nhiều hơn với quốc tế?

Trong quãng thời gian ở Việt Nam, tôi cảm thấy khá thú vị khi khám phá những di sản và lịch sử của công tác ngoại giao văn hóa ở Việt Nam, điển hình như những việc làm, hướng đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao văn hóa. Với sức ảnh hưởng đáng kể của công tác ngoại giao văn hóa trong công cuộc đấu tranh cho độc lập và tự do, tầm quan trọng của nó vẫn giữ nguyên trong bối cảnh thế kỷ 21. Nhưng tôi nghĩ nó sẽ khác ở Việt Nam. Giờ đây, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thử thách, song cũng nắm trong tay nhiều cơ hội khi hòa nhập vào môi trường quốc tế. Việt Nam đang sở hữu một di sản văn hóa độc đáo, có khả năng lưu giữ văn hóa, và cũng nhờ đó mà Việt Nam có thể tự xây dựng nên sức hấp dẫn của riêng mình với những tài sản văn hóa quý giá.

Tất cả chúng ta đều sẽ đồng ý rằng, các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam có một tiềm năng lớn, tuy chưa được khai thác nhưng vẫn có một sức hấp dẫn đáng kể. Kể cả khi bạn không biết gì về Việt Nam, nhưng bạn vẫn có thể cảm nhận được rằng đất nước này có một nền văn hóa rất thú vị và độc đáo. Đây thật sự là một lợi thế của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển thế mạnh xã hội cũng như là thực lực kinh tế.

Tôi cho rằng việc Thủ đô Hà Nội phấn đấu để có được sự công nhận danh hiệu “Thành phố Sáng tạo” từ UNESCO vào hai năm trước là một sáng kiến tuyệt vời, bởi vì chúng ta có thể thấy rằng, Việt Nam đang tái định vị thương hiệu của mình trong thế kỷ 21. Một đất nước hòa bình, hiếu khách và dễ chịu, đồng thời cũng là một đất nước sáng tạo, năng động, tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết, một đất nước đầy triển vọng, một đất nước hòa nhập.

Tôi tin rằng, Việt Nam trong vài năm qua, mà Hà Nội – Thành phố Sáng tạo như một ví dụ, đã hiểu rất rõ đây chính là cơ hội để giới thiệu một hình ảnh mới của Việt Nam trong thế kỷ 21 ra toàn thế giới và tận dụng nó để tái định vị thương hiệu quốc gia.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Việt Đức/TTXVN (thực hiện)
https://baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-la-thanh-vien-rat-tich-cuc-co-vai-tro-quan-trong-trong-unesco-20210728065016227.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu