Chủ Nhật, 24/11/2024 04:03 (GMT +7)

Việt Nam mới có 4 nữ Chủ tịch HĐND tỉnh

Thứ 2, 29/02/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Thực trạng này cho thấy, con đường đạt tỷ lệ 35% nữ đại biểu Quốc hội còn nhiều rào cản.

Việt Nam hiện vẫn còn thiếu số lượng lớn nữ đại biểu tham gia vào các cơ quan dân cử, điều này đang ảnh hưởng đến việc hoạch địch chính sách và đảm bảo quyền bình đẳng giới.

Theo Liên minh Nghị viên Thế giới, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ 3% nữ đại biểu Quốc hội khóa I lên 24,4% khóa XIII.

HÌNH MINH HOẠ

Tuy đã có nhiều tiến bộ, song tỷ lệ 24,4% vẫn còn khoảng cách không hề nhỏ với con số 35% nữ đại biểu tham gia vào cơ quan dân cử nhiệm kỳ 2016-2021 được đề ra trong Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thêm vào đó, phụ nữ chủ yếu đảm nhận các chức vụ như Ủy viên thường trực, các cấp Phó, hiện chỉ có 4/63 tỉnh có nữ làm Chủ tịch HĐND. Việc thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa nam và nữ trong hoạt động chính trị là việc làm cần thiết nhằm thúc đẩy sự bình đẳng giới và tiến tới một xã hội tiến bộ, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn.

“Trong tọa đàm về đẩy mạnh truyền thông nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử” được tổ chức mới đây, bà Phạm Thị Hải Chuyền Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đặc biệt nhấn mạnh tới các yếu tố văn hóa truyền thống và định kiến về giới.

“Còn tồn tại khá phổ biến, không chỉ xuất phát từ xã hội, gia đình, của nam giới đối với phụ nữ, mà còn của chính bản thân phụ nữ. Vẫn còn những ứng viên lo lắng, thiếu tự tin cho rằng mình không đủ năng lực thuyết phục cử tri”- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.

Bà Trương Thị Hạnh – quyền Vụ trưởng vụ tổng hợp Bộ Nội vụ cũng cho rằng phụ nữ cần tự tin hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, thể hiện đúng khả năng trong hoạt động tranh cử.

Xuất phát từ định kiến về sự khác biệt giữa nam và nữ: “Công tác cho cán bộ nữ chưa cụ thể. Một số quy định khác biệt giữa nam và nữ như tuổi nghỉ hưu, tuổi đào tạo, bồi dưỡng cũng đã hạn chế sự tham gia của chị em phụ nữ về các lĩnh vực đời sống xã hội, mà rõ nét nhất là tham gia quản lý lãnh đạo. Điều đáng nói nhất ở đây là việc phụ nữ phải nghỉ hưu khi họ đang ở độ chín về kiến thức và kinh nghiệm”, bà Chuyền nói thêm.

Những phân biệt đối xử về vai trò của phụ nữ và nam giới trong lãnh đạo còn khá phổ biến. Trong “Xóa khoảng cách”, The Economist có nêu rõ” Phụ nữ đã đạt được những bước tiến dài trong tất cả các lĩnh vực nhưng họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn so với nam giới trong việc nắm giữ các chức vụ cao nhất… Nam giới và nữ giới khi mới ra trường đều được tuyển dụng gần như tương đương nhau: nhưng nửa đường trên các nấc thang danh vọng, nhiều phụ nữ đã bị loại ra ngoài; và ở trên đỉnh cao thì hầu như không còn ai… Hầu hết các vị trí cao cấp vẫn là một đặc quyền của đàn ông”

Bên cạnh đó, nữ giới chịu áp lực làm việc nhà, tề gia nội trợ, theo quan niêm truyền thống, phụ nữ gặp khó khăn trong việc hài hòa trách nhiệm công việc và gia đình điều này cũng là rào cản đối với phụ nữ.

Thêm vào đó, trong tổ chức bầu cử chưa có thúc đẩy bình đẳng giới, nữ ứng viên còn phải gánh trên vai nhiều cơ cấu, dẫn đến cơ hội trúng cử thấp hơn nam giới. Các ứng viên nữ thường được xếp chung danh sách ứng cử với những người ứng cử có khả năng trúng cử cao hơn.

Việt Nam cần có những bước đi vững chắc và những biện pháp thiết thực cụ thể để thực hiện mục tiêu 35% cán bộ nữ trong các cơ quan dân cử nhiệm kỳ 2016-2021.

“Quan tâm tới phụ nữ, ủng hộ cho phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp là thiết thực góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, vì hạnh phúc gia đình và sự phồn vinh của đất nước”, TS Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ./.

CTV Thu Trang/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu