Trong hai ngày 7-8/4, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), Cơ quan đặc trách chống khủng bố của Liên hợp quốc (CTITF) đã phối hợp với Chính phủ Thụy Sĩ tổ chức Hội nghị phòng ngừa chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Hơn 600 đại biểu thuộc gần 150 đoàn đại diện các nước, các tổ chức quốc tế và nhiều tổ chức phi chính phủ đã tham dự hội nghị.
Đoàn Việt Nam do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Nguyễn Trung Thành, làm trưởng đoàn.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Ngoại trưởng Liên bang Thụy Sĩ, Didier Burkhalter, đã đồng chủ trì phiên họp cấp cao của hội nghị ngày 8/4, trong đó có tham luận của lãnh đạo nhiều quốc gia, như Thủ tướng Bỉ cùng 26 bộ trưởng, thứ trưởng nhiều nước khác.
Phát biểu tại phiên họp hướng tới kỷ niệm 10 năm triển khai Chiến lược toàn cầu về chống khủng bố (năm 2006-2016), Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã giới thiệu Chương trình hành động về ngăn ngừa chủ nghĩa cực đoan bạo lực, đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua.
Đây là chương trình nhằm thúc đẩy cách tiếp cận phòng ngừa, đi vào giải quyết một trong các căn nguyên của chủ nghĩa khủng bố là hiện tượng cực đoan hóa cũng như sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan bạo lực, thay cho cách thức chống khủng bố bằng các biện pháp an ninh và quân sự truyền thống trước đây.
Hội nghị lần này là diễn đàn để các nước bày tỏ quan điểm, cam kết chính trị, trao đổi thông tin và kinh nghiệm thực tiễn tốt, giúp phát huy hiệu quả công tác phòng chống và ngăn chặn sự phát triển chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong bối cảnh hòa bình, an ninh quốc tế cũng như sự ổn định, phát triển bền vững tại mỗi quốc gia trong thời gian gần đây đã bị tác động sâu sắc bởi hiện tượng cực đoan này.
Tại hội nghị, đại diện các nước, các tổ chức quốc tế cũng đã đề cao sự cần thiết phải thay đổi cách tiếp cận từ chống sang phòng ngừa, trong đó tập trung giải quyết các nhân tố thúc đẩy quá trình cực đoan hóa của các nhóm trong xã hội, tăng cường đẩy mạnh các biện pháp phi cực đoan hóa, bên cạnh việc khoan dung, hòa hợp về văn hóa, xã hội, tôn giáo tại mỗi nước…
Ngoài ra, nhiều quốc gia cũng nhấn mạnh không thể và không nên quy chụp chủ nghĩa cực đoan bạo lực đối với bất kỳ tôn giáo, quốc gia, nền văn minh hay một nhóm dân tộc nào.
Tham dự phiên họp cấp cao của hội nghị lần này, bên cạnh việc chia sẻ quan điểm chung của nhiều quốc gia, Đại sứ Việt Nam Nguyễn Trung Thành cho rằng cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực đòi hỏi nỗ lực tập thể của cộng đồng quốc tế cũng như sự quyết tâm hành động ở cấp quốc gia và khu vực.
Là một nước có nhiều dân tộc và cộng đồng tôn giáo khác nhau cùng chung sống, chính sách nhất quán của Việt Nam về thúc đẩy đoàn kết và hòa hợp giữa các dân tộc và tôn giáo, bảo đảm sự bình đẳng và không phân biệt đối xử đã góp phần đảm bảo đoàn kết, hòa hợp dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử bảo vệ và phát triển đất nước.
Việt Nam kêu gọi các nước tiếp tục đối thoại, thảo luận để đạt được nhận thức chung về định nghĩa “chủ nghĩa cực đoan bạo lực,” làm cơ sở để thống nhất và cùng triển khai các biện pháp ngăn ngừa và chống lại sự phát triển của chủ nghĩa này ở cấp độ toàn cầu, khu vực cũng như tại mỗi quốc gia./.
Ý kiến ()