Trên hành trình tìm “con chữ,” nhiều học sinh ở “xã mồ côi” Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An) đã phải bỏ dở giữa chừng bởi cái nghèo khó đeo đẳng, theo bám các em từ khi mới lọt lòng…
Và chúng tôi, những người làm báo, mong muốn đem tới cho các em thêm một động lực với những chiếc áo ấm để xua tan giá lạnh vùng sơn cước, nâng bước các em tới trường.
Áo ấm đến trường
Tinh mơ ngày 26/2, trước cái lạnh đầu năm còn buốt, khoác hai chiếc áo khoác vào người, chúng tôi đã có mặt ở số 5 Lý Thường Kiệt (Hà Nội) để bắt đầu cuộc hành trình từ thiện về miền Tây xứ Nghệ.
Trên quãng đường ngót 500km từ Hà Nội vào Tương Dương, trong đầu mỗi người đều có những suy nghĩ rất riêng về mái trường nằm trên địa bàn vốn một thời là điểm nóng buôn lậu ma túy, là nơi được gọi bằng cái tên “xã mồ côi,” không ít em học sinh đã dừng bước trước muôn vàn khó khăn trong hành trình đi tìm con chữ.
Từ Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) vào tới Trường Trung học Cơ sở Lượng Minh dài hơn 10km xóc nảy, trên xe, cô giáo Phan Thị Liên-người dẫn đường-kể rằng dạy cho các em đã khó, nhưng việc giữ được học sinh đến trường còn khó hơn.
Mái trường Lượng Minh hiện ra trong sương chiều bảng lảng. Trên sân trường mới, đám học sinh cùng thầy cô đang lấm lem chuyển bàn ghế, tủ từ trường cũ về. Thấy khách lạ, một số em vội ra giúp khuân những thùng đồ trên xe xếp ngay ngắn. Trong số rất nhiều tiếng cười hồn nhiên, có những ánh mắt thẳm sâu che giấu những nỗi buồn thầm kín.
Theo cô giáo Phan Thị Liên, Trường Trung học Cơ sở Lượng Minh gồm 298 học sinh là thuộc hai dân tộc Thái, Khơ Mú. Số học sinh thuộc hộ nghèo chiếm tỉ lệ tới 90%. Trường có 9 lớp nằm ở hai khu vực (vùng trong thuộc bản Minh Tiến, vùng ngoài thuộc Xốp Mạt, nay chuyển về Bản Lạ).
Trong số 10 bản của xã Lượng Minh, học sinh bản Cà Mong, Xốp Cháo thường phải qua xuồng men theo sông Lam để tới nơi học. Với học sinh các bản còn lại, phải đi qua khe suối giữa cái lạnh buốt giá của mùa đông nơi rừng núi ngút ngàn. Thậm chí, có những em phải vượt qua quãng đường tới cả 3km để tới trường.
Ngoài cảnh nghèo đói đeo bám, nhiều học sinh của Trung học Cơ sở Lượng Minh còn gánh trên vai hậu quả của ma túy do người lớn để lại. Cả trường có tới 35 em học sinh không cha, không mẹ…
Đón đoàn, Hiệu trưởng trường Lượng Minh, thầy giáo Trần Quốc Hùng cười, bảo rằng hôm nay là ngày “song hỷ” của trường. Nói song hỷ là bởi, hôm 26/2 là ngày đầu tiên thầy trò Lượng Minh dọn về trường mới khang trang sau 2 năm xây dựng nhờ tấm lòng của cơ quan chức năng và các mạnh thường quân. Cùng với đó, ngày về trường mới cũng là thời điểm đoàn cán bộ, nhân viên của Báo điện tử VietnamPlus (Thông Tấn xã Việt Nam) vào trao tặng những món quà ý nghĩa là hơn 300 áo ấm mới cùng một số bộ máy tính… Thầy nói vui: “Các anh chị mở hàng từ thiện cho trường đó.”
Theo quan sát của phóng viên, cho dù mái trường đã được dưng xây kiên cố, nhưng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy học và bán trú còn nhiều thiếu thốn. Ngay đến phòng họp của Ban giám hiệu cũng được kê bởi những chiếc bàn cũ kỹ…
Cầm những chiếc áo khoác mới mặc cho các em học sinh Lượng Minh, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo VietnamPlus cho hay, tiếp nối truyền thống “lá lành đùm lá rách” nhiều năm nay của Thông Tấn Xã Việt Nam, kể từ khi mới thành lập, Báo điện tử VietnamPlus luôn ý thức rất rõ về trách nhiệm xã hội của mình.
“Giá lạnh sắp qua, nhưng tôi hy vọng các em học sinh Lượng Minh ấm áp hơn trong những ngày rét còn lại và không phải lo lắng nhiều trong mùa đông năm tới. Qua đó, các em có thêm động lực tới trường để tích lũy kiến thức, đưa xã nghèo vượt khó,” ông Lê Quốc Minh xúc động nói.
Cần lắm những tấm lòng
Trung học Cơ sở Lượng Minh chỉ là một trong số rất nhiều điểm dừng chân trong các hoạt động từ thiện xã hội của Báo VietnamPlus kể từ khi mới thành lập.
Tiêu biểu trong đó là chuyến đi tới Sơn Vĩ, một xã vùng biên viễn cực Bắc của Tổ quốc thuộc huyện Mèo Vạc (Hà Giang), trao hơn 500 chiếc bát inox, 100 nồi nhôm, 255 chăn bông, 255 chiếu, 1,5 tấn gạo và 110 suất học bổng (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) năm 2012; kết hợp cùng bà con Việt kiều Stockholm (Thụy Điển) trao tặng 105 triệu đồng; 1,25 tấn gạo; 418kg đường; 418kg muối; 200 cuốn vở; 100 chiếc bút cùng áo quần và thuốc men cho 209 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề về người và tài sản do mưa lũ sau cơn bão số 10 và 11 tại Hà Tĩnh, Quảng Bình vào năm 2013…
Trong mỗi chuyến đi từ thiện, mỗi cán bộ, nhân viên của báo đều như thấy trưởng thành hơn trong suy nghĩ, trách nhiệm hơn với những số phận còn bất hạnh trong xã hội.
Có thể, những món quà đem đến cho người khó – về vật chất – chỉ như “muối bỏ biển” so với những khó khăn đeo đẳng họ hàng ngày, hàng giờ. Nhưng, đó lại là một “liều thuốc tinh thần” giúp họ có thêm động lực để chống chọi với cái đói, nghèo, thiệt thòi do thiên nhiên tàn phá để thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Đến đây, tôi lại nhớ một lời hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…” Và, những người làm Báo VietnamPlus sẽ còn tiếp tục đóng góp một phần nhỏ nhoi của mình tới những nơi còn gian khó.
Chúng tôi cũng nguyện làm cầu nối, giúp những doanh nghiệp, các mạnh thường quân tiếp cận với những số phận khó khăn, để đem những ngọn lửa yêu thương tiếp sức cho những người nghèo.
Một ngọn lửa thường bắt đầu từ những đốm lửa nhỏ…/.
Ý kiến ()