Thứ Năm, 28/11/2024 18:06 (GMT +7)

Vĩnh biệt nhà ngoại giao kỳ cựu Võ Văn Sung

Thứ 7, 05/05/2018 | 10:15:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Ông Võ Văn Sung là một trong 5 thành viên của đoàn Việt Nam tham gia Lễ ký kết Hiệp định Paris cách đây 45 năm.

Hôm nay (5/5), tang lễ nhà ngoại giao Võ Văn Sung được tổ chức tại Hà Nội. Ông qua đời ngày 1/5, hưởng thọ 91 tuổi. Ông Võ Văn Sung là một trong những nhà ngoại giao kỳ cựu từng được chứng kiến và đóng góp vào nhiều sự kiện lịch sử trong nền ngoại giao Việt Nam.

Tháng 1 năm nay, chúng ta vừa kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27/1/1973) nhưng ít ai biết được, nhà ngoại giao Võ Văn Sung chính là người đã đề xuất lấy thủ đô Paris của Pháp làm nơi diễn ra cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ- cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam (từ năm 1968 đến năm 1973).

vinh biet nha ngoai giao ky cuu vo van sung  hinh 1
Nhà ngoại giao Võ Văn Sung (ngoài cùng bên phải) tại Lễ ký kết Hiệp định Paris năm 1973. Ảnh tư liệu

Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, cuối tháng 3 năm 1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đồng ý hội nghị đàm phán với đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó với đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong suốt tháng 4/1968, hai bên cùng đưa ra những địa điểm để lựa chọn cho cuộc thương lượng. Một số địa điểm đã được hai bên thảo luận. Tuy nhiên, trên cương vị là Tổng đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp khi đó, ông Võ Văn Sung là người đã đề xuất lấy thủ đô Paris của Pháp làm nơi diễn ra cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ. Ngày 13/5/1968, cuộc đàm phán giữa đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ chính thức khởi động tại Pháp.

Vì sao lại chọn Paris cho cuộc đàm phán lịch sử này? Theo nhận định của ông Võ Văn Sung, nhìn tổng quát, Paris là địa điểm có môi trường đàm phán, đấu tranh dư luận, tranh thủ quốc tế vào loại tốt nhất cho hai Đoàn đàm phán của ta, trong đó có những yếu tố thuận lợi là: chính giới Pháp, phong trào quần chúng, lực lượng cánh tả, báo giới và đặc biệt là cộng đồng người Việt tại Pháp. Sau này, ông Võ Văn Sung nhớ lại: “Paris là địa điểm đàm phán mà ta và Mỹ đã nhất trí lựa chọn theo đề xuất của ta. Qua những gì xảy ra, cho đến giờ, tôi càng thấy Paris quả là địa điểm rất tốt cho ta trong cuộc đàm phán với Mỹ”.

vinh biet nha ngoai giao ky cuu vo van sung  hinh 2
Đoàn Việt Nam tại Lễ ký kết Hiệp định Paris (ông Võ Văn Sung ngoài cùng bên phải). (Ảnh tư liệu )

Ngày 27/1/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết tại Paris. Đây được xem là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, dẫn đến đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Ông Võ Văn Sung là một trong 5 thành viên của đoàn Việt Nam tham gia Lễ ký kết Hiệp định Paris.

Nhà ngoại giao Võ Văn Sung không chỉ đóng góp cho công cuộc thống nhất đất nước mà ông còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ Việt-Pháp, quan hệ Việt-Nhật khi trở thành Đại sứ tại 2 quốc gia này.

Sau Hội nghị Paris, ông Võ Văn Sung tiếp tục sự nghiệp của mình tại Pháp, trở thành Đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1974 và sau đó là Đại sứ đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Pháp vào năm 1976, sau khi đất nước thống nhất. Ông là một trong những kiến trúc sư chính kiến tạo và phát triển mối quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam.

Đối với quan hệ Việt-Nhật, vào ngày 21/9/1973, ông Võ Văn Sung là người thay mặt Chính phủ Việt Nam ký kết tại Paris “Công hàm trao đổi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam”. 15 năm sau (1988), trên cương vị Đại sứ, ông nỗ lực hết mình trong việc nối lại viện trợ của Nhật Bản cho Việt Nam, tạo cơ sở phát triển mối quan hệ tốt đẹp như ngày nay.

Trong thập niên 1980, với vai trò trợ lý bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Võ Văn Sung đã góp phần tích cực xây dựng chính sách đổi mới về kinh tế và kinh tế đối ngoại, trong đó có hai vấn đề lớn: chuyển đổi sang vận hành nền kinh tế thị trường và gắn kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới.

Với những cống hiến của mình cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, ông Võ Văn Sung được tặng thưởng huân chương Độc lập hạng nhất, huân chương Kháng chiến hạng nhất và hạng nhì, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, huân chương Mặt trời mọc – Sao vàng, Sao bạc của Hoàng gia Nhật Bản, Huân chương Quốc công của CH Pháp…

vinh biet nha ngoai giao ky cuu vo van sung  hinh 3
Ảnh chụp cựu Đại sứ Võ Văn Sung tại gia đình (Ảnh: tư liệu gia đình)

Truyền thống nối tiếp truyền thống. Ông Võ Văn Sung là cha đẻ của Thượng tướng Võ Văn Tuấn- nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và ông nội của Võ Tuấn Dũng, cơ trưởng trẻ nhất Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vào năm 2011. Cả 3 thế hệ đều có những cống hiến quan trọng cho đất nước trên các lĩnh vực khác nhau.

Theo Thượng tướng Võ Văn Tuấn, sau một thời gian dài lâm bệnh, cha ông đã từ trần ngày 1/5/2018.

Vĩnh biệt ông- nhà ngoại giao kỳ cựu Võ Văn Sung./.

Tin Quốc Phong/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu