Thứ Bảy, 23/11/2024 11:45 (GMT +7)

Vui buồn đường đến Rio

Thứ 3, 05/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Năm 2016 mở ra đầy triển vọng nhưng không thiếu thách thức đối với thể thao Việt Nam khi cuộc chạy đua giành suất đến ngày hội lớn Olympic 2016 vẫn chưa ngã ngũ. Nếu như bơi lội, bắn súng và cử tạ tạm hoan hỉ vì đã đủ chỉ tiêu, thì nhiều môn vẫn đang “vắt chân lên cổ”…

2016-01-05_091434

Từ nay đến ngày Olympic Rio de Janeiro (Brazil) khởi tranh chẳng còn bao xa. 6 tháng để chuẩn bị nguồn nhân lực được cho là ít, thậm chí mới chỉ đủ để các vận động viên (VĐV) chạm đến “vòng gửi xe” của đấu trường khắc nghiệt này. Thế nhưng, thể thao Việt Nam vẫn chưa lấy đủ chỉ tiêu 16 suất chính thức góp mặt tại Olympic, nghĩa là thách thức đang ngày một lớn dần.

Trên thực tế, mới chỉ có các suất chính thức của môn bơi lội (1), bắn súng (2), cử tạ (3) và đang ở chế độ chờ là điền kinh (2 suất) và cầu lông (1 suất). Nghĩa là nếu căn cứ vào chỉ tiêu mà Tổng cục Thể dục thể thao đặt ra ngay từ đầu chiến dịch tranh vé, thể thao Việt Nam mới đi qua gần nửa đoạn đường. Phía trước hãy còn nhiều trắc trở, nhất là khi những giải đấu phục vụ mục tiêu tranh chấp còn lại không bao nhiêu.
Lúc này đây, sức ép đang dồn lên vai những nhà quản lý. Năm qua, nhóm môn Olympic đã trình diễn xuất sắc, giúp đoàn thể thao Việt Nam gây được tiếng vang lớn ở đấu trường SEA Games và nhiều giải khác tầm châu lục, thế giới. Tiêu biểu như: bơi lội có kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước; điền kinh có Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Thanh Phúc; thể dục dụng cụ nổi lên gương mặt tài năng Đinh Phương Thành bên cạnh các VĐV kỳ cựu như: Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh…

Tuy nhiên, khoảng cách về trình độ giữa SEA Games và Olympic khá xa vời nên không thể cho rằng VĐV đã đoạt huy chương vàng Đông Nam Á sẽ đủ khả năng giành suất đến Brazil 2016. Có lẽ, ngoại trừ trường hợp cá biệt của Ánh Viên, hầu hết những VĐV còn lại đều phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba mới mong xuất hiện ở Olympic.

Olympic là đỉnh cao nhất mà lâu nay thể thao Việt Nam luôn kỳ vọng. Kỳ thế vận hội 4 năm trước, chúng ta giành đến 18 suất chính thức, xong chỉ tiệm cận về thành tích nhóm tranh huy chương ở một vài môn như: bắn súng, cử tạ hay thể dục dụng cụ. Bởi vậy, câu hỏi được đặt ra là ngay cả khi đã hoàn thành giấc mơ cuộc đời, thì VĐV Việt Nam đến Olympic để tìm kiếm gì?

Ông Nguyễn Hồng Minh – người từng nhiều lần dẫn đoàn thể thao Việt Nam dự các đấu trường lớn, nhỏ – cho rằng chúng ta nên từ bỏ thói quen xây dựng lực lượng nghiệp dư, vì điều đó chỉ phù hợp với thời điểm thể thao Việt Nam mới hội nhập trở lại với bạn bè. Đây là lúc chúng ta tập trung cho nhóm môn mũi nhọn, thậm chí riêng biệt cho một nhóm VĐV xuất sắc nhất ở môn bơi lội, điền kinh, bắn súng, thể dục dụng cụ hay taekwondo và gìn giữ họ cho những “trận đánh lớn”, thay vì ép họ phải thi đấu ở những sân chơi tầm thấp và dễ phát sinh chấn thương.

Thói quen khó bỏ đó của thể thao Việt Nam trong một thời gian dài đã kìm hãm sự phát triển của chính chúng ta, ngay cả khi tiềm năng VĐV không hề thua kém bất kỳ quốc gia nào ở khu vực Đông Nam Á. Điều cốt lõi, nói như nhiều chuyên gia, cách chúng ta sử dụng con người còn rất phí phạm và chưa thực sự chuyên nghiệp, vẫn để xảy ra tình trạng mất cân đối về đầu tư khi có VĐV được tập trung toàn diện, nhưng vẫn có VĐV bị xem nhẹ hoặc đầu tư khá hời hợt.

Đường đến Rio de Janeiro đầy gian truân và thách thức. Đây là thực tế mà Tổng cục Thể dục Thể thao phải đối mặt. Đạt hay không đạt chỉ tiêu lúc này không còn quan trọng bằng việc VĐV nào trong số những người được chọn sẽ giải cơn khát huy chương thực sự cho thể thao Việt Nam và nhận được sự nể phục từ bạn bè thế giới…

Nguồn: SGGP

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu