Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 08:59 (GMT +7)
Xây dựng đô thị thông minh, xu thế tất yếu trong cách mạng 4.0
Thứ 4, 03/01/2018 | 09:56:00 [GMT +7] A A
Hơn 20 tỉnh, thành trên cả nước đang triển khai xây dựng thành phố thông minh (smart city) với các lĩnh vực thí điểm như: Chính phủ điện tử, y tế thông minh, giao thông thông minh… Việc xây dựng đô thị thông minh là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra.
Hỗ trợ tổ chức quản lý đô thị
Theo Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT), từ đầu năm 2016 đến nay, một số địa phương như Hà Nội, Thừa Thiên – Huế, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… đã xây dựng và phê duyệt các đề án, quy hoạch phát triển đô thị thông minh.
Khởi động thành phố thông minh tại đảo Phú Quốc. Lê Sen-TTXVN |
Để xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội ưu tiên 4 lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp là: y tế, giáo dục, giao thông và du lịch.
Năm 2017, Hà Nội đã bắt đầu xây dựng một số hệ thống điều hành thông minh. Trung tâm giám sát điều hành tập trung của thành phố, gồm 6 chức năng chính: giám sát – điều hành giao thông và an ninh công cộng; điều hành thông tin ứng cứu khẩn cấp; giám sát bảo đảm an toàn thông tin và hỗ trợ kỹ thuật; tổng hợp phân tích dữ liệu; thông tin hỗ trợ công dân và dịch vụ công ích; thông tin báo chí truyền thông.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tiếp tục được duy trì và nâng cao hiệu quả trong quản lý điều hành nội bộ, 85% văn bản chuyển nhận giữa các đơn vị được luân chuyển trên mạng. 100% cán bộ công chức sử dụng hòm thư điện tử công vụ để trao đổi công việc. Đến nay, Sở đã triển khai và vận hành 81 dịch vụ công trực tuyến (tăng 74 dịch vụ so với năm 2016) tới 10 sở, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn; tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến do các bộ chuyên ngành triển khai cho thành phố. Thành phố hiện có 457 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, tăng 45% so với năm 2016, đạt gần 24% tổng số thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước thành phố…
Trong giai đoạn 2016 – 2020, Hà Nội sẽ dành 3.000 tỷ đồng để xây dựng thành phố thông minh. Theo lãnh đạo Sở TTTT Hà Nội, lộ trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội sẽ có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2016 – 2020: Hình thành cơ bản các thành phần như nền tảng cơ sở hạ tầng; xây dựng hệ thống thông minh: Giao thông, du lịch, giám sát môi trường, bảo đảm an ninh trật tự. Giai đoạn 2 từ 2020 – 2025, coi người dân là trung tâm, người dân sẽ tham gia quản lý, hình thành kinh tế số cơ bản. Giai đoạn 3 là đến 2030, Hà Nội sẽ là thành phố thông minh phát triển cao.
Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh “giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025” và xác định đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của thành phố. Theo nhận định của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, việc triển khai xây dựng thành phố thông minh đóng vai trò là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất hỗ trợ thúc đẩy thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách với các thành phố khác trong khu vực.
Đô thị thông minh mà Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ với bộ máy hành chính (nâng cao công tác quản lý điều hành) mà còn với mọi lĩnh vực đời sống, xã hội liên quan trực tiếp đến người dân.
Không chỉ dừng lại ở việc quản lý hành chính, đô thị thông minh còn giải quyết các vấn đề thiết thực trong mọi mặt đời sống như: quản lý giao thông, đô thị, môi trường, y tế, du lịch… Kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, chính xác; tạo ra kênh kết nối phản hồi thông tin để giúp các tổ chức xã hội tham gia hiệu quả hơn vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo đại diện VNPT, đơn vị đã tiếp cận, giới thiệu, triển khai mô hình xây dựng thành phố thông minh tại 17 tỉnh, thành phố. Các giải pháp xây dựng thành phố thông minh của VNPT sẽ giúp chính quyền giảm tải thủ tục hành chính công, đảm bảo xây dựng đô thị bền vững, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giúp giảm chi phí và gia tăng hiệu quả hoạt động quản lý.
Sẽ vượt qua nhiều rào cản
Theo Bộ TTTT, có 20 địa phương đang bắt tay vào triển khai xây dựng đề án smart city. Việt Nam là nước có tốc độ đô thị hóa nhanh. Mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam đến 2020 là 45%. Sự phát triển của các đô thị sẽ kéo theo các nhu cầu về phát triển đô thị thông minh nhằm giải quyết những vấn đề xã hội.
Về khía cạnh công nghệ, thành phố thông minh sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông để hỗ trợ việc tổ chức, quản lý thành phố. Tất cả các hoạt động của các lĩnh vực khác nhau như y tế, giao thông, tài nguyên môi trường, điện lực… đều được thu thập dữ liệu thông qua các thiết bị cảm biến, máy móc để đưa về trung tâm xử lý, hỗ trợ ra quyết định cũng như liên thông dữ liệu với nhau để để đưa ra quyết định xử lý chính xác, hiệu quả. |
Khi triển khai đô thị thông minh, Việt Nam có hạ tầng viễn thông tương đối tốt, tỷ lệ người dùng Internet tăng nhanh. Lượng thuê bao Internet băng rộng phát triển mạnh. Việt Nam cũng đang tiến hành triển khai chính quyền điện tử. Tất cả bộ, ngành, địa phương tại Việt Nam đều đã có cổng thông tin điện tử. Nhiều cơ quan đã cung cấp dịch vụ giải quyết thủ tục hành chính ở mức độ 1, 2, thậm chí ở mức 3 và 4. Đây là một thành phần cốt lõi mà các bộ, ngành, địa phương đang theo đuổi để phát triển đô thị thông minh.
Thách thức lớn nhất trong việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam nằm ở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, đặc biệt là tại nhiều tỉnh vùng sâu, vùng xa. Một vấn đề khác là tốc độ phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tầm quốc gia triển khai còn chậm. Chính quyền điện tử ở nhiều bộ, ngành, địa phương phát triển rộng nhưng việc kết nối với nhau vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý cho việc phát triển đô thị thông minh vẫn chưa được hoàn thiện.
Để xây dựng thành phố thông minh, yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực CNTT. Do đó, Việt Nam cần tích cực đổi mới hệ thống giáo dục để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, có chính sách thúc đẩy nhằm đào tạo con người có tư duy và kỹ năng phù hợp với xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0.
Ý kiến ()