Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 01:39 (GMT +7)
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nền kinh tế số tại Việt Nam
Thứ 5, 13/09/2018 | 16:26:00 [GMT +7] A A
Trong khuôn khổ Diễn dàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN), sáng 13/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi đối thoại với lãnh đạo của 40 tập đoàn tài chính, công nghệ toàn cầu và 5 doanh nghiệp trong nước tham dự Diễn đàn, nhằm lắng nghe các trao đổi, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nền kinh tế số, đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam xác định được 3 vấn đề đối với đất nước, một là chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; hai là tăng cường cải cách thể chế kinh tế trong nước, liên tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo không gian môi trường thuận lợi, coi doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế và ba là Chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài để tập trung cho kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Từ Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos năm 2017 tới nay, khi bàn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ đánh giá tiến trình này rất chậm ở Việt Nam và cá nhân tôi thấy sốt ruột. Do vậy, trách nhiệm của Chính phủ và doanh nghiệp như thế nào đối với xây dựng thể chế, kết nối hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực để đóng góp cho xây dựng, đẩy nhanh phát triển nền kinh tế số?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề với lãnh đạo các Tập đoàn toàn cầu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với các đại biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế đều bày tỏ ấn tượng trước những thành quả phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam thời gian qua, khẳng định mong muốn Việt Nam phát triển bền vững, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tới đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, y tế, chế tạo, nông nghiệp như Qualcomm, Airbus, Sysmex, Cargrill… đều thấy nhiều điều “thú vị” khi hợp tác với các doanh nghiệp phía Việt Nam.
Ông Mantosh Malhotra, Chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Qualcomm cho biết, doanh nghiệp này đã dành hơn 14 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển và các doanh nghiệp Việt Nam có thể hướng tới tham gia hệ sinh thái số toàn cầu mà Qualcomm đã xây dựng. “Chúng tôi đã làm việc với Viettel, Vingroup và nhìn thấy nhiều điều thú vị để hợp tác”, ông Malhotra bày tỏ.
Trong khi đó, đại diện hãng chế tạo máy bay Airbus cho biết đã đầu tư vào FPT để xây dựng các nền tảng kết nối và rất ấn tượng với tốc độ phát triển của Tập đoàn này. Còn hãng thiết bị y tế Sysmec thì đánh giá cao nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao khi hãng này hợp tác với FPT.
Để hợp tác sâu rộng hơn trong thời gian tới, các tập đoàn muốn biết tầm nhìn của Chính phủ về 5G, Internet vạn vật và công nghệ số không chỉ ở cấp địa phương, quốc gia mà ở tầm nhìn toàn cầu; các quy chế của nhà nước để xây dựng dữ liệu tài chính, phát triển công nghệ tài chính (fintech); giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp của Chính phủ. Những tập đoàn công nghệ như Amazon và Grab bày tỏ sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm đã giúp các doanh nghiệp này thành công với Việt Nam để đưa Việt Nam phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, phục vụ cho phát triển kinh tế nhanh hơn và bền vững. Các doanh nghiệp này cũng mong muốn Chính phủ sẽ có nhiều đối thoại hơn với các doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu chụp ảnh chung. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao sự sẵn lòng hợp tác, các sáng kiến tốt đẹp của các tập đoàn đối với Việt Nam trong phát triển kinh tế số. Đối với các đề nghị của các tập đoàn, Phó Thủ tướng cho biết, có nhiều nội dung trong xây dựng dữ liệu, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong điều hành, sản xuất kinh doanh đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành xây dựng chiến lược tham gia vào cách mạng khoa học công nghệ, xây dựng kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vào năm 2017.Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, địa phương thực hiện chia sẻ dữ liệu về dân cư, bảo hiểm xã hội, tài chính, hành chính và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển mạng xã hội của Việt Nam.
Đối với nhu cầu, tầm nhìn đối với phát triển 5G hay là thành phố thông minh, kho vận thông minh (logistics), áp dụng công nghệ thông tin trong thị trường ngoại hối, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị phát triển thị trường vốn vào cuối năm nay do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, để lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp.
“Quan điểm của Chính phủ Việt Nam về cuộc cách mạng công nghệ hiện nay mang lại cơ hội nhiều hơn là thách thức, nhất là với các nước đi sau như Việt Nam trên nền tảng công nghệ số”. Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho biết, ngoài góp ý về môi trường đầu tư nói chung, Chính phủ Việt Nam mong muốn các quốc gia, các đối tác hợp tác, chia sẻ để sớm hoàn thiện hệ sinh thái cho nền kinh tế số về nhân lực và thể chế. Phó Thủ tướng lấy ví dụ từ chuyến đi Trung Quốc mới đây, khi quốc gia này đi sau về phát triển công nghệ nhưng hiện nay là cường quốc về Fintech, thương mại điện tử và kiểm soát được hoàn toàn hệ thống thanh toán của các doanh nghiệp, trong khi đó ở Việt Nam, tỷ lệ thanh toán tiền mặt giảm nhanh nhưng còn rất lớn, kinh tế phi chính thức vẫn tồn tại ở quy mô không nhỏ so với GDP hiện nay.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng đề án thống kê rõ hơn diện mạo của khối kinh tế phi chính thức này, để nền kinh tế minh bạch hơn với tư duy mọi người đều có quyền kinh doanh những lĩnh vực pháp luật không cấm và phải nộp thuế. Đồng thời, Chính phủ không có chủ trương tăng thuế mà sẽ chỉ tập trung vào chống xói mòn cơ sở thuế.
Đối với tiến độ, lộ trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước mà các tập đoàn quốc tế quan tâm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ hoạt động vào tháng 10/2018 để bảo đảm tiến trình này diễn ra đúng các kế hoạch mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định trong giai đoạn 2016- 2020.
“Danh mục các doanh nghiệp phải cổ phần hóa, thoái vốn trong từng năm từ nay tới 2020 đều đã có và các bộ, địa phương phải thực hiện đúng quy định này”, Phó Thủ tướng nói và cho biết Chính phủ cũng nghiên cứu hình thức “cổ phiếu vàng” để tăng cường sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp.
Ý kiến ()