Thứ Sáu, 29/11/2024 17:24 (GMT +7)

Xây dựng lộ trình để TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực

Thứ 7, 19/10/2019 | 10:29:00 [GMT +7] A  A

Tp. Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện, tiềm năng để thu hút nguồn lực tài chính nhưng để trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế vẫn phải đối mặt không ít thách thức và áp lực cạnh tranh.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại phiên thảo luận “ Tp. Hồ Chí Minh hướng tới trung tâm tài chính khu vực và quốc tế: Hiện trạng, mục tiêu và lộ trình thực hiện” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Tp. Hồ Chí Minh năm 2019 do UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức chiều 18/10.

Phiên thảo luận Bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và hình thành một số trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: Hứa Chung/TTXVN

Động lực phát triển

Chia sẻ tại diễn đàn, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng, trong tầm nhìn chiến lược phát triển của Tp. Hồ Chí Minh, việc trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh sức hút của thành phố đang bị chững lại so với các đô thị khác trong nước và đang tụt hậu với các đô thị trong khu vực. Thế nhưng điều kiện hiện tại của Tp. Hồ Chí Minh và tầm nhìn chiến lược này còn rất nhiều khoảng cách.

Nhìn ra bên ngoài, Tp. Hồ Chí Minh vẫn còn tụt hậu tương đối xa so với các đô thị trong khu vực như Seoul, Thượng Hải, Kuala Lumpur hoặc ngay cả Bangkok . Ở góc độ trong nước, khoảng cách về quy mô kinh tế giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh ngày càng thu hẹp. Nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, Bình Dương hay Quảng Ninh đang vươn lên mạnh mẽ, thậm chí đóng vai trò tạo cảm hứng cho các địa phương khác và dần trở thành các đô thị động lực của đất nước.

Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp cho GDP cả nước của Tp. Hồ Chí Minh gần như không đổi cho thấy tốc độ tăng trưởng năng suất của Tp. Hồ Chí Minh không cao hơn mặt bằng chung của toàn nền kinh tế. Không những thế, tỷ lệ ngân sách được giữ lại của Tp. Hồ Chí Minh giảm mạnh, từ mức 26% giai đoạn 2007-2010 xuống chỉ còn 18% giai đoạn 2017 – 2020.

Bối cảnh này đặt ra yêu cầu đối với Tp. Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn chiến lược phát triển tạo sự đột phá nhằm nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, mức sống và chất lượng sống của người dân, củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng vị thế và tầm quan trọng của thành phố ở Việt Nam và trong khu vực.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng khẳng định: Tp. Hồ Chí Minh có những tiềm năng nhất định để có thể phát triển thành một trung tâm tài chính lớn mạnh có tầm cỡ quốc tế và khu vực của đất nước.

Về vị trí địa lý, Tp. Hồ Chí Minh nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng vai trò như cửa ngõ phát triển, liên kết kinh tế giữa miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ và Tây nguyên.

Bên cạnh đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng có điều kiện thuận lợi để hội nhập và giao lưu phát triển kinh tế, văn hoá với khu vực Đông Nam Á, có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm đầu mối dịch vụ và thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Với những lợi thế về vị trí địa lý và thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội hiện tại, Tp. Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều tiềm năng để tiếp tục là đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước và trở thành địa điểm hấp dẫn để các công ty trong và ngoài nước đặt trụ sở, mở chi nhánh khi nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đặc biệt, Tp. Hồ Chí Minh cũng là địa phương đi đầu về nỗ lực cải cách hành chính. Theo báo cáo chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2018, Tp. Hồ Chí Minh nằm trong top 10 địa phương có sức cạnh tranh cao nhất cả nước, nhất là các chỉ số về gia nhập thị trường, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và chi phí thời gian.

Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh cũng là 1 trong 13 tỉnh, thành phố được các doanh nghiệp dân doanh đánh giá tốt nhất về cơ sở hạ tầng. Đó là những tiền đề quan trọng để Tp. Hồ Chí Minh xây dựng đề án phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Xây dựng lộ trình

Bí thư Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tham gia thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: Hứa Chung/TTXVN

Bên cạnh những thuận lợi, Tp. Hồ Chí Minh cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và áp lực cạnh tranh trong việc vươn lên thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.

Theo ông Trần Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh, điểm yếu của Tp. Hồ Chí Minh là hạ tầng tài chính các ngân hàng chiếm 70% thị trường tài chính nhưng hoạt động ngân hàng vẫn nhiều rủi ro; tính phân tán nguồn lực quá cao, đi ngược lại nguyên lý kinh tế tích tụ của các trung tâm tài chính.

Mặt khác, các sản phẩm khác của thị trường tài chính như thuê tài chính quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ là loại hình kinh doanh mới mẻ, mối liên hệ giữa các quỹ đầu tư và doanh nghiệp chưa thật sự gắn kết bởi các doanh nghiệp quen tiếp cận nguồn vốn qua kênh ngân hàng. Vì vậy, kênh huy động vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư chưa thật sự phát huy tác dụng đến nền kinh tế.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ phân tích, trong gần 20 năm qua Tp. Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng việc phát triển thị trường tài chính như là môt trong những lĩnh vực ưu tiên của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nhóm trụ cột công nghiệp – thương mại – tài chính.

Tuy nhiên, trên thực tế sự phát triển thị trường tài chính trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra không được như kỳ vọng. Việc vươn lên để trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn của khu vực ASEAN còn khá xa.

Một số chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng, mặc dù Tp. Hồ Chí Minh có nhiều cơ hội để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, tuy nhiên với bối cảnh hiện nay, mục tiêu này có thể quá tầm với. Do vậy, cách tiếp cận của Tp. Hồ Chí Minh là “vừa học, vừa làm”, trước mắt trở thành trung tâm tài chính của quốc gia để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế trong nước rồi từng bước vươn lên thành trung tâm tài chính khu vực.

Đề cập đến lộ trình xây dựng Tp. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh cho biết, khi xây dựng đề án, Tp. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính mang tầm quốc tế, của khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay trước mắt thành phố sẽ đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính của khu vực phía Nam nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho khu vực gồm 8 tỉnh lân cận đang đóng góp 45% GDP của cả nước.

Sau đó, căn cứ vào tình hình phát triển sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Hồng Kong (Trung Quốc) và Dubai sẽ là những mô hình trung tâm tài chính đặc thù mà Tp. Hồ Chí Minh có thể học hỏi kinh nghiệm trong thời gian tới.

Chính vì vậy, Đề án “Phát triển Tp. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế” không phải vấn đề riêng của Tp. Hồ Chí Minh mà chính là một phần trong chiến lược kinh tế của quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 và cần được thực hiện theo lộ trình với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.

Theo đó, giai đoạn từ nay đến 2025 Tp. Hồ Chí Minh sẽ củng cố vai trò và hình thành cơ chế vận hành thông suốt của một Trung tâm tài chính lớn nhất nước. Giai đoạn 2 từ năm 2026-2035 tập trung hoàn thiện các yếu tố thể chế, nhân lực và hạ tầng đô thị, trọng tâm là Trung tâm tài chính chính Thủ Thiêm. Giai đoạn 3 sau năm 2035 là hướng tới thị trường tài chính quốc tế, đây là thời kỳ hội nhập toàn diện với thế giới về chính sách cơ chế vận hành.

Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ phải xây dựng và triển khai các chính sách, cơ chế cụ thể để thực thi, bao gồm việc thí điểm các chính sách mới, nhất là các chính sách liên quan đến thị trường tài chính.

Về phía Tp. Hồ Chí Minh cần tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo tư duy “ kinh tế vùng”; khẳng định vai trò là trung tâm thương mại, khởi nghiệp, sáng tạo của cả nước và rộng hơn là khu vực Đông Nam Á.

Các chuyên gia cũng cho rằng, muốn phát triển Tp. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế phải bắt đầu từ việc tạo thể chế thông thoáng, mở cửa và áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Để thu hút được các công ty đa quốc gia, tập đoàn tài chính lớn, các công ty thương mại lớn trên thế giới đặt trụ sở hoặc mở chi nhánh, Tp. Hồ Chí Minh cần có một hệ thống pháp luật, quy định giám sát, quy tắc hoạt động theo chuẩn mực quốc tế.

Xét riêng đối với hoạt động của các định chế tài chính (đặc biệt là các ngân hàng thương mại), Tp. Hồ Chí Minh phải chuẩn bị các điều kiện cần và đủ về tài chính, năng lực quản trị kinh doanh, chiến lược hội nhập và cạnh tranh trong môi trường mới.

Theo Xuân Anh – Hứa Chung (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu