Thứ Tư, 27/11/2024 11:33 (GMT +7)

Xe nhập khẩu ồ ạt đổ về khi sức cầu trong nước sụt giảm mạnh

Thứ 2, 14/09/2020 | 14:56:00 [GMT +7] A  A

Dù thị trường ô tô trong nước đang gặp khó khăn, doanh số bán hàng giảm dần những tháng gần đây, nhưng xe nhập khẩu nguyên chiếc vẫn về nhiều. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra để lý giải cho vấn đề này nhưng theo các chuyên gia, với diễn biến mới nhất về sức mua đang có xu hướng giảm thì việc nhận định thị trường xe năm nay sẽ khó đoán trước.

Mẫu ô tô của hãng Honda được trưng bày tại cửa hàng ở Tokyo, Nhật Bản.

Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tiêu thụ trong nước giảm, xe nhập vẫn về nhiều

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sau khi doanh số bán hàng toàn thị trường ô tô Việt Nam có mức tăng trưởng đến 62% trong tháng 5/2020, bước sang các tháng tiếp theo mức tăng trưởng giảm dần, cụ thể, tháng 6 tăng 26%, tháng 7 tăng 0,3%; sau đó giảm đến 14% trong tháng 8 vừa qua khi chỉ tiêu thụ được 20.655 xe các loại.

Trong các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, ngoại trừ Honda có doanh số bán hàng trong tháng 8 vừa qua tăng 38% so với tháng 7/2020, hầu hết các doanh nghiệp còn lại đều có doanh số giảm, như Toyota giảm 20%, Mazda giảm 9%, Kia giảm 14%…

Tính chung doanh số 8 tháng năm 2020, toàn thị trường ô tô Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 151.903 xe các loại, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó doanh số bán xe lắp ráp trong nước giảm 19%, trong khi xe nhập khẩu giảm 33%.

Phân tích về doanh số bán xe trong tháng 8 vừa qua và 8 tháng của năm 2020 giảm sút, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc An – doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong mảng kinh doanh xe ô tô cho hay, nguyên nhân do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến doanh số bán xe ô tô của toàn thị trường giảm.

Thế nhưng, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan trong tháng 8/2020, cả nước nhập khẩu 8.000 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng kim ngạch 190 triệu USD, tăng 68% về lượng và 75,6% về kim ngạch so với tháng trước đó. Đây cũng là tháng có lượng ô tô nhập khẩu về nhiều, đứng thứ 3 trong 8 tháng qua, sau tháng 2 (8.191 xe), nhiều nhất vẫn là tháng 3 (9.831 xe). Tuy nhiên, tính chung lượng ô tô nhập khẩu trong 8 tháng năm 2020 chỉ đạt 53.000 xe, giảm 44,3% với trị giá 1,208 tỷ USD, giảm 43,7% so với cùng kỳ năm ngoái…

Theo giới chuyên doanh, nước ta hiện nằm trong Top 5 thị trường ô tô Đông Nam Á có lượng tiêu thụ cao, gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philipines. Trước những khó khăn về sản xuất đang xảy ra ở các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, gây khó khăn nhất định trong hoạt động kinh doanh xe nhập khẩu thì xu hướng chuyển sang lắp ráp đang thấy rõ.

Điển hình là Toyota Việt Nam đầu năm 2017 chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc mẫu Fortuner từ Indonesia về phân phối, nhưng đến năm 2019, các phiên bản máy dầu lại được Toyota Việt Nam chuyển về lắp ráp trong nước. Tượng tự, cuối năm 2017, Honda Việt Nam chuyển mẫu CR-V từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu nhưng đến giữa năm 2020 đã chuyển trở lại lắp ráp. Mitsubishi Việt Nam cũng vừa mới bán Xpander (bản AT – số tự động) lắp ráp tại nhà máy ở Bình Dương…

Sự chuyển dịch sang lắp ráp trong nước này do từ 10/7/2020 các doanh nghiệp được hưởng thuế nhập khẩu 0% linh kiện và những vật tư chưa có trong nước, đồng thời xe sản xuất lắp ráp trong nước còn được hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ để kích cầu tiêu dùng. Mặc dù ưu đãi đang dần thấy rõ ở nhóm xe lắp ráp nhưng thực tế lại cho thấy ô tô nhập khẩu vẫn “ùn ùn” trở lại và không chịu lép vế. Vậy nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là gì?

Bù đắp đơn hàng đã định lượng

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới chưa dự đoán được thời điểm kết thúc, khó khăn vẫn đè nặng lên các quốc gia và nhiều ngành kinh tế mũi nhọn, dự báo tăng trưởng thị trường ô tô Việt Nam cũng không thể lạc quan như các năm gần đây. Điểm khác biệt so với mọi năm là trong khi tiêu thụ ô tô trong nước đang gặp khó khăn, nhưng xe nhập khẩu về vẫn nhiều và các chuyên gia trong ngành đều nhận định khó có thể lặp lại kỳ tích vượt 400.000 xe như của năm 2019, nhưng vượt qua con số 300.000 xe toàn thị trường vẫn có thể.

Chuyên gia ô tô Vĩnh Nam đến từ Công ty AVIS Vietnam từng nhận định năm 2020 sẽ là năm của xe lắp ráp trong nước, kể cả xe sang. Ông Nam nói: “Từ tháng 5 đến nay, doanh số của một số hãng xe tương đối tốt, chứng tỏ người dân đã quay lại mua sắm sau thời gian chững lại vì COVID-19. Từ nay đến cuối năm, sức mua xe sẽ tăng khi có phần tác động từ chính sách giảm phí trước bạ 50%”.

Tuy nhiên, với diễn biến mới nhất về sức mua đang có xu hướng giảm, ông Vĩnh Nam nhận định thị trường xe năm nay sẽ khó đoán trước. Hậu COVID-19 đợt đầu, các hãng tưởng thuận lợi nên tăng số lượng sản xuất, cũng như nhập khẩu chuẩn bị cho đợt “chạy” hàng cao điểm cuối năm. Nhưng nay tình thế thay đổi, khả năng đến cuối năm, sẽ có những đợt kích cầu để lấy lại sản lượng tiêu thụ bị hụt.

Năm 2019 khi xuất hiện cuộc đua giảm giá giữa xe lắp ráp trong nước và nhập khẩu, các doanh nghiệp ô tô Việt Nam lo ngại các nước trong khu vực đẩy mạnh xuất khẩu sẽ làm thị phần của mình giảm. “Năm 2019, trong khi doanh số bán ô tô nhập khẩu tăng trưởng trên 30% thì ô tô trong nước giảm 12%. Nếu giá ô tô nhập khẩu thực hiện giảm liên tục thì ô tô trong nước càng khó cạnh tranh, mất dần thị phần”, giám đốc một doanh nghiệp FDI nhận định.

Bước diễn biến mới với sự thuận lợi đang nghiêng về xe lắp ráp, thế nhưng ô tô nhập khẩu vẫn không hề giảm mà còn tăng lượng nhập trở lại. Nhiều người cho rằng thị trường sẽ quay trở lại cuộc đua cạnh tranh dẫn đến tồn kho hạ giá. Nhưng ở góc nhìn người trong nghề, anh Lê Văn Thùy, quản lý kinh doanh Viet Auto, một trong số lẻ các đơn vị nhập xe sang có tiếng ở Hà Nội cho rằng đây, chỉ đơn giản là sự bù đắp số lượng đơn hàng thiếu hụt đã định lượng từ trước do các doanh nghiệp đã đặt đơn hàng từ cách đó nhiều tháng, nay xe mới về.

Anh Thùy phân tích: “Từ đầu năm 2020, nguồn hàng xe nhập khẩu trên thế giới sụt giảm do chuỗi đứt gãy sản xuất. Dẫn đến sự khan hiếm có thật trên thị trường ô tô nhập khẩu trong nước. Đến nay khi hoạt động sản xuất đã trở lại. Các đơn hàng được giải quyết, xe được nhập về để bù đắp lượng thiếu hụt”.

Theo đó, nhu cầu mua xe nhập khẩu từ nay đến cuối năm sẽ tăng, sẽ không có chuyện xảy ra cuộc đua giảm giá giữa xe nhập và xe lắp ráp. Vị đại diện của Viet Auto cho rằng thời điểm mua xe tốt nhất vẫn theo quy luật hàng năm là vào tháng “Ngâu”.

Đồng quan điểm với anh Thùy, anh Nguyễn Xuân Đạt (Auto 668 Lạc Long Quân, Hà Nội) kể rằng hiện những xe giảm giá trong tháng “Ngâu” nếu là xe nhập khẩu chủ yếu là hàng còn tồn, sắp tới lượng xe mới về sẽ thêm nhiều lựa chọn, nhưng chưa thể dự báo trước giá có giảm hay không tùy vào nguồn cung.

“Thường thời điểm cuối năm là mùa mua bán chính, nên xe nhập từ nay đến hết Quý 3 sẽ tăng, nhưng không có nghĩa thị trường sẽ giảm giá ngay mà còn chờ nghe ngóng từ nhu cầu mua bán của người dân”, anh Đạt nhận định.

Văn Xuyên (TTXVN)
https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/xe-nhap-khau-o-at-do-ve-khi-suc-cau-trong-nuoc-sut-giam-manh-20200914114903694.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu