Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 00:13 (GMT +7)
Xét xử vụ góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank: Đối chất làm rõ trách nhiệm trong 3 lần góp vốn
Thứ 3, 20/03/2018 | 10:15:00 [GMT +7] A A
Chiều 19/3, phiên tòa xét xử vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) tiếp tục với phần xét hỏi.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tiến hành đối chất giữa các bị cáo, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhằm làm rõ trách nhiệm của các bị cáo trong việc thực hiện 3 lần góp vốn vào OceanBank.
Đinh La Thăng nói không, nhân viên bảo có
Bị cáo Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên PVN) trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử tại phần xét hỏi. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Theo truy tố của Viện Kiểm sát, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên PVN) ký Thỏa thuận số 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank) thống nhất chủ trương PVN sẽ tham gia góp vốn với tỷ lệ tối đa là 20% khi OceanBank tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Bị cáo Thăng ký thỏa thuận này mà không tổ chức cuộc họp Hội đồng quản trị, không lấy ý kiến các thành viên Hội đồng quản trị PVN.
Tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng đã thừa nhận có ký Thỏa thuận số 6934 và cho rằng việc ký thỏa thuận góp vốn vào OceanBank chỉ là để giải quyết hệ lụy của việc thành lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Hồng Việt không thành. Theo bị cáo Thăng, thỏa thuận này hoàn toàn không phải là tiền đề cho các nghị quyết, quyết định góp vốn sau này. Việc ký thỏa thuận không bắt buộc phải thông qua Hội đồng quản trị, mà theo điều lệ của PVN thì chỉ các nghị quyết, quyết định mới phải buộc phải thông qua Hội đồng quản trị.
Đối với Nghị quyết 4266 ngày 16/5/2011 quyết định về việc góp vốn lần thứ ba (100 tỷ đồng) của PVN vào OceanBank, bị cáo Đinh La Thăng khai thời điểm đó đi công tác, bị cáo Thăng ủy quyền điều hành cho bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN) nhưng không ủy quyền cho Thắng ký bất kỳ Nghị quyết nào. Bị Thăng cho rằng, trong Điều lệ của PVN có quy định người được ủy quyền cũng không có trách nhiệm phải báo cáo lại cho bị cáo Thăng. Do đó, bị cáo Thăng khẳng định mình hoàn toàn không biết Nghị quyết 4266.
Tuy nhiên, đối chất tại tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng cho biết, sau khi bị cáo Đinh La Thăng đi công tác về thì đã báo cáo trực tiếp với bị cáo Thăng. Về vấn đề này, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng bản thân có quá nhiều việc phải làm, ký nhiều nghị quyết nên không kiểm soát hết và cho biết “nếu biết đã cho dừng việc góp vốn này”.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (sinh năm 1962, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử tại phần xét hỏi. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Tòa tiếp tục cho bị cáo Đinh La Thăng đối chất với bà Nguyễn Thị Thủy Tiên (nguyên thư ký Hội đồng thành viên PVN). Bà Thủy Tiên cho biết đã chuyển Nghị quyết 4266 cho bà Bùi Hà Châu (nguyên chuyên viên giúp việc Hội đồng thành viên PVN). Tại tòa, bà Bùi Hà Châu cho biết đã chuyển Nghị quyết 4266 lên bàn làm việc của bị cáo Đinh La Thăng. Sau đó, bà Châu đã nhận lại văn bản nghị quyết này, thể hiện bằng chữ “R” trên góc của văn bản.
Trước những nội dung đối chất trên, bị cáo Đinh La Thăng nhận trách nhiệm người đứng đầu, người ủy quyền. Tuy nhiên, bị cáo Thăng cho rằng sự việc diễn ra trong thời gian bị cáo đi công tác gần chục ngày, khi về thì có rất nhiều tài liệu được bị cáo phê duyệt nên không để ý đến nội dung văn bản.
Loanh quanh về quy trình thủ tục tăng vốn góp
Tham gia xét hỏi chiều 19/3, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Thắng về căn cứ để bị cáo ký Nghị quyết 4266 đồng ý góp vốn lần thứ ba vào OceanBank trong thời gian bị cáo Đinh La Thăng đi công tác.
Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng cho biết, căn cứ vào kết quả biểu quyết đa số thành viên đồng ý về việc góp vốn bằng chữ ký trên Văn bản 124 ngày 12/5/2011 của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn gửi Hội đồng thành viên báo cáo về tình hình đăng ký tăng vốn điều lệ với nội dung “trình Hội đồng thành viên xem xét và chấp thuận tiếp tục hỗ trợ và tăng vốn điều lệ ở mức tối đa (20%) vào OceanBank với số vốn tăng thêm là 100 tỷ đồng…”.
Đối chất tại tòa, bà Nguyễn Thị Thủy Tiên cho rằng lời khai này chưa chính xác vì bà không đưa Văn bản 124 cho các thành viên Hội đồng thành viên.
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Tiếp tục trả lời câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN) cho biết có tham gia vào lần góp vốn thứ hai và thứ ba. Đối với Nghị quyết số 4658 ngày 31/5/2010 của lần góp vốn thứ hai, bị cáo Vũ Khánh Trường cho biết, bản thân căn cứ vào việc trước đó Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép PVN góp tỷ lệ 20% vào vốn điều lệ của OceanBank. Do đó, bị cáo Trường cho rằng, việc tăng vốn điều lệ của những lần sau chỉ là việc làm tiếp theo, tạo điều kiện cho OceanBank mở rộng quy mô hoạt động và số tiền đầu tư của PVN vào OceanBank có hiệu quả hơn. Bị cáo Vũ Khánh Trường cho rằng, sở dĩ tham gia ký Nghị quyết 4658 khi chưa xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ do nghĩ rằng đây chỉ là nghị quyết chấp thuận phương án chứ không phải nghị quyết tăng vốn.
Tuy nhiên, khi đại diện Viện Kiểm sát hỏi sau này PVN có ban hành nghị quyết tăng vốn nào không thì bị cáo Vũ Khánh Trường thừa nhận là không có và khai chỉ đến khi cơ quan điều tra cho biết thì mới biết đã vi phạm khoản 2 điều 55 Luật các tổ chức tín dụng.
Về lời khai này, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định, điều kiện để trở thành thành viên Hội đồng thành viên là phải hiểu biết pháp luật, còn trách nhiệm của thành viên Hội đồng thành viên là giám sát Ban Tổng Giám đốc và yêu cầu tuân thủ đúng pháp luật.
Ý kiến ()