Chủ Nhật, 24/11/2024 05:24 (GMT +7)

Xin đừng làm khổ con trẻ

Thứ 2, 15/05/2017 | 15:17:00 [GMT +7] A  A
Dự thảo chương trình lớp 1 mới thiết kế nhiều môn học hơn và trẻ em sẽ phải gồng mình học nhiều hơn thay vì được vui chơi, phát triển tự nhiên.

Con chúng tôi sẽ là lứa học sinh lớp 1 đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông mới hay sao? Khổ thân cho các cháu khi phải trở thành “chuột bạch” thí nghiệm chương trình mới? Đó là tâm trạng lo lắng, thậm chí là bất an của nhiều phụ huynh về thông tin từ năm học 2018-2019 sẽ áp dụng đại trà chương trình lớp 1 mới. Nỗi lo của họ cũng là nỗi lo chung của dư luận xã hội. Suốt hơn 3 tuần qua, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ra mắt đã “gây bão” và tạo nhiều luồng ý kiến khác nhau. Trong khi có nhiều băn khoăn, lo lắng về những điều khó thực hiện, vênh so với thực tế chưa được dự thảo hoàn thiện thì quan điểm sẽ triển khai áp dụng đại trà chương trình lớp 1 mới khiến dư luận càng thêm bức xúc.

Đúng là chương trình mới dù tiến bộ, dù hay đến đâu nhưng thiếu điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị hiện đại và nhất là thiếu con người – đội ngũ giáo viên thích ứng với yêu cầu đổi mới – thì khó chạm đến thành công. Xin đừng ảo tưởng vì “có bột mới gột nên hồ”! Trong khi chương trình lớp 1 mới được thiết kế cho dạy 2 buổi/ngày, nhưng nhìn vào bức tranh chung thì ngổn ngang cái khó, cơ sở giáo dục xuống cấp. Tỷ lệ học sinh tiểu học ở nông thôn được học 2 buổi/ngày rất thấp và trường lớp nhiều nơi còn chắp vá, dột nát. Còn ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội thì phấn đấu mãi cũng chỉ đạt vài chục phần trăm trường tổ chức học 2 buổi/ngày. Áp lực dân số cơ học tăng nhanh, trường lớp xây không kịp đã khiến quyết tâm giảm sĩ số bất thành.

Ở nhiều trường tiểu học thuộc TP Hà Nội và TPHCM, sĩ số lớp học quá đông 50 – 60 em/lớp, bàn ghế kê dày đặc, giáo viên muốn di chuyển cũng khó, làm sao có thể ứng dụng các hoạt động trải nghiệm dạy học sáng tạo như đặt ra. Nhiều hiệu trưởng ở những ngôi trường thiếu thốn đủ thứ chỉ mong ước học trò có chỗ học đàng hoàng hay sân chơi đủ rộng để các em nô đùa thỏa thích trong giờ ra chơi. Vì thế, yêu cầu học sinh lớp 1 đến trường là để được nô đùa, vẽ vời, ca hát, giao tiếp với bạn bè và phát triển kỹ năng như chương trình mới đặt ra đâu dễ thực hiện.

Chúng ta mong muốn giảm tải chương trình để học sinh học tập nhẹ nhàng, bổ sung kỹ năng sống, học làm người, thay vì nhồi nhét quá nhiều kiến thức. Thế nhưng, dự thảo chương trình lớp 1 mới lại thiết kế nhiều môn học hơn và trẻ em sẽ phải gồng mình học nhiều hơn thay vì được vui chơi, phát triển tự nhiên. Hơn nữa, đưa ra mục tiêu tăng thời lượng môn học giáo dục thẩm mỹ, chú trọng dạy trẻ học nhạc, ca hát, vẽ vời… nhiều hơn thì phải trang bị đủ phòng học, trang thiết bị, tuyển đủ giáo viên dạy nhạc, mỹ thuật, môn năng khiếu. Nhưng thử hỏi hiện có bao nhiêu trường tiểu học cả nước có điều kiện dạy học sinh biết đàn, biết vẽ, có môi trường giáo dục đạt yêu cầu phát triển các kỹ năng sống, phát huy năng khiếu, sở trường phù hợp với lứa tuổi măng non?

Những cái khó, cái thiếu và bất cập nêu trên, Bộ Giáo dục – Đào tạo và ban soạn thảo có nhìn thấy rõ và điều chỉnh ra sao để khi áp dụng đại trà chương trình mới sẽ không bị trật đường ray? Việc thiết kế, vận hành một chương trình giáo dục mới, nhất là dành cho học sinh lớp 1 lần đầu tiên đến trường, phải được tính toán kỹ lưỡng chứ không thể có gì làm nấy, chắp vá theo kiểu “đẽo cày giữa đường” như trước đây. Với thực tế, mỗi vùng miền, điều kiện sống, môi trường học tập, đối tượng học sinh khác nhau, có nên áp dụng đại trà chương trình lớp 1 mới như dự kiến?

Với cách làm gấp gáp, vội vàng và thiếu các giải pháp đầu tư bài bản, phù hợp với tình hình thực tế của môi trường giáo dục ở Việt Nam, nhiều chuyên gia giáo dục cảnh báo chương trình mới làm không khéo sẽ khó tránh vết xe đổ của hai đợt cải cách giáo dục trước đây. Phải chăng, một lần nữa, Bộ Giáo dục – Đào tạo lại phớt lờ cảnh báo của dư luận xã hội, tiếp tục “cố đấm ăn xôi” khi áp dụng đại trà chương trình lớp 1 mới như dự định? Vận hành một chương trình giáo dục mới với mục tiêu cao, tham vọng lớn nhưng thiếu cơ sở khoa học, xa rời thực tiễn và điều quan trọng là chưa tạo niềm tin cho người học lẫn xã hội thì nó sẽ mang nặng tính đối phó, hình thức.

Xin đừng làm khổ con trẻ vì những búp măng non cần được vui chơi, phát triển tự nhiên chứ không phải làm “chuột bạch” thí nghiệm.

KHÁNH HÀ (SGGP)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu