Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 19:08 (GMT +7)
Xóm Nghề: nhớ công ơn Anh hùng áo vải Nguyễn Trung Trực
Thứ 5, 06/10/2022 | 11:15:48 [GMT +7] A A
Hàng năm vào ngày 12 tháng 9 âm lịch, người dân khắp nơi tụ về Khu di tích Xóm Nghề, Ấp 1 xã Thạnh, huyện Bến Lức nơi có Bia Tưởng niệm cụ Nguyễn Trung Trực, thắp nén hương tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ đến công lao của người Anh hùng áo vải.
Trở lại Ấp 1, xã Thạnh Đức - Xóm Nghề năm nào giờ đổi thay! Người dân xóm nghề không còn mưu sinh bằng nghề chài lưới, bắt cá như thuở xưa. Dù cảnh vật, đời sống khác xưa nhưng hễ nhắc đến Xóm Nghề thì ai cũng biết, cũng nhớ và tự hào vì đây là nơi Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực sinh ra và sống thời niên thiếu. Những hộ gia đình ở đây thờ di ảnh ông và thắp hương mỗi ngày như một nét đẹp trong đời sống tâm linh. Đây còn là việc làm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tỏ lòng thành kính của hậu thế với bậc tiền nhân. Ngoài ra, đến ngày giỗ ông tổ chức vào ngày 11, 12 tháng 9 âm lịch hàng năm, người dân đều lập hương án phía trước nhà thờ cúng ông. “Một bàn hương án dù chẳng có lễ vật cao sang, chỉ một ít trái cây, một nén hương dâng lên người anh hùng có công với quê hương, đất nước nhưng cũng đủ tỏ lòng thành kính”- ông Nguyễn Thanh Liêm, ấp 1 xã Thạnh Đức cho biết.
Nguyễn Trung Trực có tên khai sinh là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838, tại xóm Nghề, thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trung Trực là những trang sử hào hùng về quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do cho quê hương đất nước. Để tưởng nhớ công ơn của người Anh hùng áo vải, những hộ gia đình ở (xóm Nghề) Ấp 1, xã Thạnh Đức thờ di ảnh ông và thắp hương mỗi ngày như một nét đẹp trong đời sống tâm linh. Ngoài ra, hàng năm đến lễ giỗ của ông (ngày 11, 12 tháng 9 âm lịch) nơi đây người dân đều lập hương án phía trước nhà thờ cúng ông, để tỏ lòng thành kính của hậu thế với bậc tiền nhân.
Tháng 2/1859, quân Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định, Nguyễn Trung Trực ứng nghĩa, chiêu mộ quân lính tham gia bảo vệ Đại đồn Chí Hòa dưới quyền chỉ huy của Trương Định. Nhờ lập được nhiều chiến công qua các trận đánh ở Gia Định, Biên Hòa, mà người dân chài này sớm được triều Nguyễn phong chức Quản cơ, rồi Lãnh binh, rồi Hà Tiên thành Thủ úy. Từng đánh chiếm và làm chủ tỉnh Rạch Giá rồi bị Pháp tập trung lực lượng phản công, quân ít thế cô, ông Nguyễn rút ra Hòn Chông (đảo Phú Quốc) lập căn cứ đánh Pháp cho tới lúc thế cùng lực kiệt, bị rơi vào tay giặc và ông Nguyễn bị lên máy chém vào ngày 27/10/1868 tại chợ Rạch Giá, lúc đó, ông 31 tuổi. Ngay khi rơi vào tay giặc Pháp, ông Nguyễn còn dõng dạc nói một câu bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.
Hằng năm, lễ giỗ còn là dịp để thế hệ hôm nay ôn lại thân thế và cuộc đời người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Qua đó, còn nhắc nhở lòng yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung đối với cụ Nguyễn. Đây cũng là dịp để bà con, Nhân dân trong và ngoài huyện tham gia giao lưu các hoạt động văn hóa, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Bên cạnh đó, lễ giỗ còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh. Từ đó, thế hệ hôm nay phải ra sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng thêm giàu đẹp.
Mỗi người một việc, dù ít hay nhiều, dù nhỏ hay lớn nhưng tất cả đều chung một tâm niệm hướng về lễ giỗ, tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc đã hy sinh vì nghĩa lớn để thế hệ hôm nay hưởng quả ngọt thanh bình. Vì vậy, lễ giỗ là nét đẹp văn hóa, nét đẹp của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”./.
Việt Hằng – Lê Hạnh
Ý kiến ()