Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 21:36 (GMT +7)
Xóm Việt Kiều những ngày giáp tết
Thứ 7, 23/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Do quan hệ lâu đời nên có khá đông người Việt sinh sống trên đất nước Campuchia. Họ làm đủ thứ nghề, từ làm thuê đến làm nghề đánh bắt thủy sản ở Biển Hồ tại tỉnh Seam Reap. Vài năm gần đây, do không có giấy tờ tuỳ thân, không có điều kiện tối thiểu để hội nhập vào xã hội ở nước sở tại nên họ đã quay trở lại Việt Nam. Sau nhiều năm tha hương, những việt kiều Campuchia trở về quê hương với khát khao có một mái nhà để an cư lạc nghiệp và con cháu có cơ hội được cắp sách đến trường. “Xóm việt kiều” hình thành với 73 hộ dân và 356 nhân khẩu được tại nơi biên giới Hưng Hà-huyện Tân Hưng-Long An.
Xóm Việt Kiều nằm trên tuyến dân cư kênh KT7 xã Hưng Hà dễ dàng nhận thấy bởi những căn nhà sàn thâm thấp nằm san sát nhau. Khi chúng tôi đến vào những ngày giáp tết, phần lớn thanh niên đi làm công cho chủ ruộng ở các xã lân cận, bán vé số, phụ hồ, giăng lưới… ở nhà chỉ còn lại phụ nữ và trẻ con. Không sung túc nhưng mọi người cũng chuân bị chuẩn bị đón tết với ước mong đầm ấm và vui hơn so với cuộc sống lênh đênh nơi Biển Hồ.
Cũng như các hộ Việt kiều trong xóm, cuộc sống gia đình anh Trần Văn Đình và chị Nguyễn Thị Thơm cũng đã phần nào ổn định hơn. 20 năm sinh sống ở Campuchia không có quốc tịch, cuộc sống lênh đênh trên chiếc xuồng chày nên 3 người con lớn bị mù chữ, giờ được chính quyền địa phương tạo điều kiện anh chị dồn sức để lo cho con trai út và đứa cháu nội đến lớp. Hiện trong nhà cũng đã sắm được ti vi, mua xe máy, nấu cơm bằng nồi điện…
Chị Thơm hớn hở cho biết: đây là năm đầu tiên chị sắm mỗi đứa con một bộ quần áo mới. Mấy ngày nay, hết việc làm thuê ngoài đồng anh đi giăng câu, thả lưới, được một ít cá xẻ khô và bán lấy tiền để chị lên chợ xã mua nước mắm, dầu ăn, ít kẹo mứt, và làm mâm cơm 30 tết cúng ông bà. Mấy năm về trước ngày tết cũng như ngày thường bữa cơm cũng chỉ có cơm, rau và vài con cá rô đồng kho mặn.
Chị còn khoe hai đứa con có gia đình riêng giờ cũng có ăn có mặc, chị giúp giử cháu để cha mẹ chúng đi làm. Mấy ký gạo nếp mùa trước mót được chị cũng cất kỹ trong khạp, chờ tết gói vài đòn bánh tét cho tụi nhỏ.
Trong suốt buổi trò chuyện lúc nào ở người phụ nữ này cũng giử nụ cười rất tươi, chị Thơm chia sẽ: cũng còn khó khăn lắm, nhưng được mái nhà trên bờ, con cháu đi học, có cơm ăn áo mặc như vậy là quý rồi. Hồi ở bên nước bạn, sinh sống không hợp pháp nên rất lo sợ, cả gia đình 6 người sống trên chiếc xuồng rày đây mai đó, bữa nào bắt được cá thì đổi gạo, tối về chui rúc ở những gầm cầu không điện, không nước sạch…Về đây nhà nước cho mượn tạm đất cất nhà rồi đi làm mướn kiếm sống. Tết năm nào chính quyền cũng tặng quà cho gia đình và những hộ dân trong xóm. Nói chung, tết năm nay vui tươi hơn so với những cái tết trước.
Còn chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, 50 tuổi, quê gốc An Giang, 4 mẹ con chị phiêu bạt sang xứ người bấp bênh với nghề chày cá ở Biển Hồ. Số phận không quốc tịch, năm 2005 gia đình chị trở về Việt Nam và chọn biên giới Hưng Hà lập nghiệp. Ba đứa con lớp lập gia đình. Chị sống một mình trên nền đất địa phương cho mượn tạm. Được sự giúp đở của chính quyền, bà con trong xóm đùm bọc, cùng với cần cù lao động, chị cũng ổn định được cuộc sống bằng nghề làm thuê. Chị không giấu được niềm vui khi cùng bà con trong xóm thường xuyên được những đoàn làm công tác từ thiện tặng quà, khám bệnh cấp thuốc miễn phí. Ở đây làng xóm yên ổn, chan hòa, giúp đở nhau. Có nhà cửa rồi nên giờ chỉ làm để sống thôi. Tết được chính quyền địa phương hỗ trợ gạo, mì tôm, dầu ăn, bột ngọt… Thỉnh thoảng mấy đứa con về cho tiền nên cũng không phải lo lắng nhiều như trước.
Dẫu cuộc sống đã phần nào ổn định, nhưng hộ nghèo, trẻ em thất học vẫn rơi vào “Xóm việt kiều”. Bởi họ không nhập được hộ tịch, không có có giấy tờ tùy thân, không được vay vốn, thanh niên không được làm việc ở công ty xí nghiệp hay đi làm ăn xa…Những năm về trước, Đồn biên phòng Sông Trăng đóng quân trên địa bàn mở lớp học tình thương cho trẻ con việt kiều từ Biển Hồ về. Riêng hàng năm đại đội bộ binh huyện Tân Hưng hỗ trợ, giúp đở tặng sách vở cho những học sinh là con em của xóm việt kiều. Hướng tới , chính quyền địa phương đề xuất những biện pháp hợp lý, tạo điều kiện để bà con việt kiều nâng cao đời sống, dân trí, hưởng chính sách ưu đãi và trước mắt là đón tết Bính Thân 2016 đầm ấm, đầy đủ.
Trao đổi với chúng tôi ông Đỗ Đình Sắc-Bí thư xã Hưng Hà- huyện Tân Hưng-Long An cho biết: Theo quy định của Nhà nước phải cư trú ở địa phương 20 năm mới nhập quốc tịch nhưng bà con Việt kiều ở Biển Hồ Campuchia về đây mới chỉ trên 10 năm. Chính quyền tạo điều kiện cho bà con, địa phương cho mượn tạm nền đất trên tuyến dân cư KT7 cất nhà. Hướng đến lâu dài ổn định, chúng tôi đang kiến nghị về trên giải quyết cấp luôn nền đất cho bà con lập nghiệp, góp phần cùng địa phương xây dựng nền QP-AN vững chắc và phát triển kinh tế. Còn riêng về đón tết Bính Thân bên cạnh ngân sách nhà nước, xã vận động quyên góp tặng quà không để hộ nghèo nào trên địa bàn thiếu đói, đặc biệt là bà con Xóm việt kiều.
CTV Thùy Trang
Ý kiến ()