Cuối cùng, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã có được văn bản được dư luận trông đợi nhiều tháng qua: Kết quả xem xét xử lý kỷ luật đối với những cán bộ liên quan đến vi phạm tại dự án 8B Lê Trực gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Sau một thời gian dài im ắng, nhiều người lo ngại vụ việc này lại “chìm xuồng” như nhiều sự vụ lớn đã từng xảy ra trước đó và công trình sai phạm vẫn trơ trơ thách thức công luận.
Từ cuối tuần qua, Hà Nội đã chính thức ra quân cưỡng chế cắt ngọn tòa cao ốc này. Hành động này đã củng cố niềm tin dư luận rằng “Hà Nội đã nói thật và làm thật”. Bởi thực tế đã có nhiều vụ việc “giơ cao, đánh khẽ”, thậm chí sai phạm rõ ràng nhưng không có bất kỳ cán bộ nào bị xử lý.
Trong vụ 8B Lê Trực, kết quả xử lý kỷ luật có thể còn nhiều ý kiến khác nhau, người thì cho rằng như thế là vẫn còn nhẹ, là chưa hết người hết tội… ý kiến khác lại bảo như thế cũng đã là nghiêm nếu so sánh với hàng loạt vụ việc khác từng xảy ra trước đó. Nhưng nói gì thì nói, ở đây, dư luận đánh giá cao kết quả xử lý của Hà Nội vì pháp luật đã được thượng tôn. Đồng thời, đây cũng là lời cảnh báo cho những nhà đầu tư, doanh nghiệp đang có ý định làm sai. Nếu Hà Nội chỉ xử lý nghiêm minh doanh nghiệp sai phạm còn để lọt cán bộ thì vấn đề mới chỉ giải quyết được một nửa, người làm sai không phải chịu trách nhiệm gì. Cán bộ nếu không bị kỷ luật thích đáng thì đồng nghiệp của họ của các phường, quận khác, ở các dự án khác cũng sẵn sàng theo cách quản lý cũ thì vi phạm vẫn dài dài.
Thời gian gần đây, trên đất nước ta xuất hiện hàng loạt công trình xây dựng sai phép với qui mô rất “hoành tráng”. Nhiều công trình mọc lên như thách thức dư luận mà các cơ quan quản lý gần như đứng ngoài cuộc. Chỉ đến khi báo chí, công luận lên tiếng, họ mới giật mình truy cứu trách nhiệm, yêu cầu xử lý…
Do dâu mà tình trạng ngang nhiên xây dựng sai phép các công trình qui mô lớn lại xuất hiện ngày một nhiều mà không gặp bất kỳ cản trở nào? Chỉ đến khi “gạo sắp thành cơm” hoặc “gạo đã thành cơm” thì các đơn vị, cơ quan chức năng mới biết? Mà thực tế, khi công luận lên tiếng thì các cơ quan quản lý ở cơ sở như phường, quận, xã … mới cho biết là đã không ít lần kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ thi công. Vậy tại sao cơ quan quản lý đã ra tay mà nhà đầu tư vẫn “nhờn”? Phường, quận, đội quản lý trật tự xây dựng… thanh tra thì cứ thanh tra, xử phạt thì cứ xử phạt cuối cùng công trình vẫn được hoàn thiện theo đúng tiến độ. Câu trả lời đơn giản, dễ thấy nhất là thượng tôn pháp luật bị xem thường và cơ quan chức năng cũng buông lỏng kỷ cương phép nước. Chính sự nhượng bộ của chính quyền đã tạo điều kiện cho các chủ đầu tư “mạnh tay” hơn trong việc vi phạm trật tự xây dựng.
Một vấn đề nữa, trong vụ sai phạm xây dựng tại 8B Lê Trực, có 2 lãnh đạo của Sở Xây dựng Hà Nội đã nghỉ hưu. Có vẻ như, việc xử lý những cán bộ này còn nhiều lúng túng. Nếu không có hình thức xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội thì đây chính là cơ hội để nhiều kẻ lợi dụng “hoàng hôn nhiệm kỳ” làm những việc sai pháp luật, sai qui định của Nhà nước rồi hạ cánh an toàn bằng hai từ “hưu trí”.
Theo đánh giá của Chính phủ, vụ 8B Lê Trực là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có liên quan đến nhiều cấp quản lý. Quan điểm của Chính phủ là phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý quy hoạch đô thị, trật tự đô thị, quản lý đầu tư xây dựng và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật.
Xử lý nghiêm sai phạm là cần thiết, nhưng để sai phạm xảy ra rồi mới đập bỏ là hạ sách. Giá như mọi việc được làm nghiêm từ đầu, những công bộc của dân làm tròn trách nhiệm thì chủ đầu tư sẽ bớt thiệt hại và kỷ cương phép nước cũng không bị xâm phạm./.
Ý kiến ()