Thứ Hai, 25/11/2024 17:54 (GMT +7)

“Xuân chiến khu” đến “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”

Thứ 7, 17/02/2018 | 09:34:00 [GMT +7] A  A

Ai đã từng ăn Tết Thống Nhất 1976 tại Sài Gòn, hẳn khó quên cái mùa xuân nhiệt đới đầu tiên ấy. Sắp Tết, nắng Sài Gòn vẫn như đổ lửa.

“Xuân chiến khu” đến “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”

Nắng đến sáng rực rỡ những đóa mai vàng. Nắng đọng đỏ trên hoa sứ Thái Lan và dưa hấu. Riêng với Xuân Hồng cũng có nhiều cảm xúc lạ thường. Tuy là người Nam bộ, nhưng Xuân Hồng chưa bao giờ ăn tết ở Sài Gòn và nhất là tết của mùa xuân thống nhất đầu tiên.
13 năm trước, mùa xuân 1963, khi được điều về Đoàn Văn công Giải Phóng, Xuân Hồng được giao sáng tác về mùa xuân ở chiến khu. Dựa vào điệu nhạc cổ “Bình Bán Vắn” mang âm hưởng rất xuân, rất có không khí vui tươi, giản dị và trong sáng, Xuân Hồng đã viết ra “Xuân chiến khu”. Bài hát đã được tốp nữ của đoàn biểu diễn trước giờ xuất kích của Tiểu đoàn 2 và được “vỗ tay hát lại” khiến Xuân Hồng rất cảm động.
“Xuân chiến khu” đã được gửi ra miền Bắc, được nữ ca sĩ Thanh Huyền hát tha thiết trên làn sóng phát thanh. Vẫn là cái tứ xuân về, ở “Xuân chiến khu”, Xuân Hồng đưa ra một giai điệu mở đầu như làn gió thổi trong rừng: “Mùa xuân về trong chiến khu/ Tiếng chim rừng vang hót khắp nơi/ Mùa xuân về trong chiến khu/ Gió đưa cây rừng cành lá vi vu ú u u/ Chim hót mừng mùa xuân thắng lợi…”.
Còn bây giờ là mùa xuân Sài Gòn, mùa xuân sau 30 năm Sài Gòn khởi đầu “Nam bộ kháng chiến”. Có lẽ Xuân Hồng nghĩ đến “Đà Nẵng ơi! Chúng con đã trở về” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết sau ngày giải phóng Đà Nẵng với giai điệu mở đầu là nét nhạc chủ đề của bản hành khúc “Giải phóng quân” ông viết vào năm 1945. Từ “Đoàn Giải phóng quân một lần ra đi” đã biến thành “Đà Nẵng mến yêu hôm nào ta ra đi”. Và vì thế Xuân Hồng đã dùng ngay nét nhạc mở đầu bài “Nam Bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn: “Mùa thu rồi ngày hai ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…” để làm giai điệu mở đầu bài hát mùa xuân trở lại Sài Gòn: “Mùa xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la”.
Đã có đường nét của “Xuân chiến khu” luồn vào câu nhạc phát triển: “Thành phố Hồ Chí Minh quê ta…” mang máng như “Mùa xuân về trong chiến khu” và nhất là thủ pháp đảo phách giữa chừng câu hay có ở Xuân Hồng lại xuất hiện như nhắc lại những kỷ niệm. Và thế là: “Chim hót mừng/ mùa xuân thắng lợi” đã hóa thành: “Lưu danh/ đến muôn đời” hay “Vui sao/ nước mắt lại trào”.
Cũng là viết về mùa xuân thống nhất năm 1976, nếu ở “Mùa xuân đầu tiên”, Văn Cao diễn tả nỗi vui mừng của đoàn con miền Bắc trở về quê nhà đoàn tụ với “Khói bay trên sông gà đang gáy trưa”, và cũng bắt đầu “Bến xuân” qua “Serénate mùa xuân” để hội đủ âm hưởng ngày khải hoàn, thì Xuân Hồng lại diễn tả mùa xuân ngay tại “viên ngọc Viễn Đông” Sài Gòn vừa được giải phóng và cũng vừa được vinh dự mang tên Bác: Thành phố Hồ Chí Minh, như ước nguyện của dân tộc. Và âm hưởng đó cũng bắt đầu từ “Nam Bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn đến “Xuân chiến khu”, để rồi hội đủ âm hưởng mùa xuân tự do.
Mùa xuân ấy, tôi cũng có may mắn được ăn tết tại Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Tết thanh bình. Sài Gòn như rộng ra vô chừng. Tôi rời căn nhà nhỏ ở hẻm Hàng Xanh và cứ thế nhập vào dòng người du xuân trong nắng. Bến Bạch Đằng gợi một chút nao nao nơi thuở Bác Hồ ra đi. Rồi chợ Bến Thành trên trời dưới hàng. Tôi đã lạc vào Thảo Cầm Viên lúc nào không hay. Bỗng nghe như mời gọi, như chia sẻ: Mùa xuân này về trên quê ta/ Khắp đất trời biển rộng bao la/ Cây xanh tươi ra lá trổ hoa/ Chào mùa xuân về với mọi nhà… Thành phố Hồ Chí Minh năm nay/ Mùa xuân về rợp bóng cờ bay… Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh là mùa xuân đẹp nhất quê mình.
Một giai điệu mùa xuân thật lạ, qua một giọng nữ thật lạ, mà sau đó tôi biết là của ca sĩ Hoàng Yến, cùng với dàn nhạc điện tử cũng thật lạ tôi mới chỉ kịp tiếp xúc khi Việt kiều Tân Đảo về nước và nhất là sau ngày Sài Gòn giải phóng. Giai điệu ập đến khiến tôi nhẩm theo ngay khi trên tay còn cầm những cuốn thơ của quá khứ, của Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên vừa mua được ở vỉa hè chợ Huỳnh Thúc Kháng. Mới và cũ cùng chộn rộn trong tâm hồn là nhờ giai điệu “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của Xuân Hồng. Khi ấy, tôi đâu biết chính tác giả có tên thật là Hồng Xuân và sau giai điệu này, còn có thêm một giai điệu xuân nữa cho đủ bộ ba xe – pháo – mã. Đó là “Mùa xuân bên cửa sổ” của vài năm sau.
Sau này ông có dịp tâm sự: Mùa Xuân của đất trời đã đi qua theo mây gió, nhưng mùa Xuân của con người vẫn đọng lại trong tôi, như những nốt nhạc chạm trên dòng kẻ và cả những âm thanh vô hình được in vào trí nhớ, như đã ghi trong một cuốn băng từ. Và từ đó, cứ mỗt lần tết sắp đến, mùa hoạt động của văn công, các anh lại gọi tôi, lại nhắc tôi: “Xuân Hồng ơi, mùa Xuân đến rồi đó, sáng tác về mùa Xuân đi…”.
Với tài năng và sự cống hiến lớn lao cho nền nghệ thuật âm nhạc nước nhà, năm 2000 nhạc sĩ Xuân Hồng đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Trong các tác phẩm nằm trong giải thưởng, có hai tác phẩm viết về mùa Xuân, đó là “Xuân chiến khu” và “Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”.

NGUYỄN THỤY KHA

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu