Thứ Hai, 25/11/2024 01:01 (GMT +7)

Xuân về với mẹ vùng biên

Thứ 7, 30/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Vùng biên những ngày giáp tết se se lạnh, chúng tôi về thăm mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thảnh-xã Hưng Điền B-huyện Tân Hưng.

Nghe có khách đến thăm, mẹ kêu cháu nội dìu ra tận ngoài cửa đón. Như những đứa con đi xa trở về, anh Lê Quốc Phong-Bí thư Trung ương đoàn-Chủ tịch Trung ương Hội sinh viên Việt Nam ôm chầm lấy mẹ. Nắm chặt tay từng người trong đoàn, mẹ vui mừng hỏi thăm: “ Các con có khỏe không?” Rồi Mẹ hỏi tên từng người trong đoàn, thăm hỏi chuyện gia đình…Mẹ nói thêm: “đừng quà cáp gì hết, nhà nước lo cho mẹ nhiều lắm rồi, ở đây mấy đứa bộ đội ngoài huyện cũng thường xuyên đến thăm mẹ”.

Bên hiên nhà, chúng tôi nghe mẹ kể chuyện quê hương, gia đình hồi chiến tranh và câu chuyện về hai người con của mẹ đã anh dũng hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

ANH MUA XUAN VE VOI ME VUNG BIEN

Đ/c Lê Quốc Phong -Bí thư trung ương Hội sinh viên Việt Nam (bên trái mẹ) cùng các thành viên trong đoàn Ảnh: Thùy Trang

Mẹ kể: Lúc đó, con trai lớn của mẹ-anh Trần Văn Đực vừa tròn 15 tuổi xin mẹ tham gia cách mạng. Lúc tiển con lên đường mẹ chỉ dặn: “Khi đã đi thì con phải kiên trung một lòng dù vất vả, hi sinh”. Mang theo lời dặn của mẹ và chí ý quyết tâm, lòng căm thù giặc sâu sắc, anh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Lúc đầu anh tham gia vào lực lượng du kích của xã, sau đó biên chế vào đơn vị bộ đội địa phương. Địa bàn lúc ấy vô cùng ác liệt, đêm ngày không ngớt tiếng súng, tiếng bom. Ngày 10 tháng 10 năm 1972 anh Trần Văn Đực đã anh dũng hi hy ngay trên mãnh đất quê nhà, khi ấy anh là tiểu đội phó và chỉ về thăm mẹ đúng hai lần. Hay tin, mẹ gần như ngục ngã.

Nhưng rồi sau đó, mẹ nén lòng tiển đứa con gái bé bỏng Trần Thị Liên lên đường làm nhiệm vụ giao liên. Và chị đã hi sinh khi vừa tròn 12 tuổi. Biến nỗi đau thành hành động, mẹ vừa nuôi dạy 4 con nhỏ vừa đào hầm, mang cơm nuôi bộ đội. Địch biết gia đình mẹ là cơ sở nuôi giấu cán bộ, không biết bao nhiêu lần chúng đốt nhà và bắt mẹ. Nhưng chúng không khai thác được gì nên đành thả mẹ ra và đưa vào diện theo dõi đặc biệt. Lòng căm thù giặc tột đỉnh khiến mẹ không lùi bước mà tiếp tục hoạt động.

Giờ mẹ đã tuổi cao sức yếu, không trực tiếp tham gia các hoạt động xã hội nhưng mẹ luôn động viên con cháu học tập, công tác tốt và tích cực đóng góp xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn. Gần trọn 60 năm gắn bó với mãnh đất vùng biên này, từng chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh cày nát xóm làng, sự hi sinh mất mát nên mẹ rất quý sự đổi thay của cuộc sống hôm nay. Nguyện vọng cuối đời của mẹ cũng đã thực hiện chính quyền địa phương mang hai người con đang yên nghĩ ở nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Hưng về gần nhà để mẹ sớm hôm cận kề bởi các anh chị rời xa vòng tay mẹ quá sớm.
Chia tay vùng biên, chia tay mẹ, chúng tôi mang về những lời căn dặn của mẹ hãy xứng đáng là thế hệ trẻ nối tiếp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Và mẹ, tất cả những bà mẹ Việt Nam Anh Hùng mãi mãi là hình ảnh đẹp nhất của quê hương.

CTV Thùy Trang ( Phòng Công tác chính trị – BCHQS tỉnh)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu