Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 01:39 (GMT +7)
Xuất khẩu 54.000 lao động có trình độ cao
Thứ 5, 20/07/2017 | 09:52:00 [GMT +7] A A
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), từ nay đến năm 2025 sẽ đưa 54.000 lao động có trình độ kỹ thuật đi làm ở nước ngoài. Đây là hướng đi mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập cao cho những người trình độ.
Lớp học tiếng Nhật chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý. Ảnh: Dolap.gov.vn |
Chủ yếu là lao động phổ thông
Trong 3 năm gần đây, mỗi năm, xuất khẩu lao động của Việt Nam luôn đạt mức hơn 100.000 lao động nhưng theo đánh giá của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý lao động, hoạt động xuất khẩu lao động vẫn đang “chạy theo số lượng” và phần lớn là lao động phổ thông. Theo thống kê, gần 50% lao động xuất khẩu là lao động phổ thông, số còn lại là lao động có tay nghề, nhưng thực chất đây chỉ là lao động học qua các lớp sơ cấp, bổ túc tay nghề chứ không phải là lao động có tay nghề được đào tạo chuyên môn bài bản.
Hiện mới chỉ có một số ít lao động trình độ cao đi xuất khẩu lao động theo mô hình y tá, điều dưỡng tại Nhật Bản, Đức, có mức thu nhập khá. Do đó, để nhân rộng hình thức này, Bộ LĐTBXH đang xây dựng đề án đưa lao động có trình độ cao sang làm việc tại Nhật Bản, CHLB Đức, Hàn Quốc, Slovakia, Cộng hòa Czech, Israel…
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, xuất khẩu lao động có trình độ kỹ thuật là hướng đi mới không chỉ làm nâng cao vị thế của lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bộ đang giao Cục Quản lý lao động ngoài nước và các đơn vị liên quan gấp rút xây dựng đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2025” để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Còn ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết: Đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến 2025 đang lấy ý kiến các bộ, ngành. Mục tiêu của Đề án là đưa hơn 54.000 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp có nhu cầu đi làm tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và một số quốc gia cần lao động kỹ thuật. Đây không phải là cử nhân thất nghiệp, trong đó không bao gồm lĩnh vực xã hội.
Đề án được chia làm hai giai đoạn, từ 2018 – 2020, dự kiến đưa 14.700 lao động đi Đức trong các ngành điều dưỡng, hộ lý, kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ vật lý, sinh học. Đề án cũng dự kiến đưa 1.500 lao động là điều dưỡng chăm sóc người già, người bệnh; kỹ sư công nghệ thông tin và cơ khí sang Nhật Bản; đưa 1.800 lao động là kỹ sư các ngành cơ khí, hàn, đầu bếp, công nghệ thông tin, điện tử và 150 người nhóm nghề dịch vụ gồm đầu bếp, khách sạn nhà hàng sang Hàn Quốc.
Giai đoạn đầu tập trung xác định cụ thể ngành nghề thí điểm, nhu cầu của nước tiếp nhận với ngành đó. Trước mắt lấy 10 tỉnh làm điểm, thực hiện thống kê lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật phân theo ngành nghề, lĩnh vực đào tạo để hoạch định chính sách.
Từ 2021 – 2025, Đề án dự kiến tiếp tục đưa hơn 39.000 lao động đi làm việc tại 3 nước trên và mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động. Thị trường Nhật Bản bổ sung thêm ngành kỹ sư công nghệ thông tin, sinh học; Đức là nghề cơ khí chính xác như tiện phay, bào, hàn trình độ cao; Hàn Quốc thêm công nghệ thông tin, thuyền viên hàng hải. Ngoài ra, mở rộng thêm các thị trường như ASEAN, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) ở các ngành dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, phục vụ khách sạn – nhà hàng, cơ khí, xây dựng.
Mục tiêu của Bộ LĐTBXH là nâng cao tỷ trọng số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây là lực lượng lao động chính đóng góp sự phát triển nền kinh tế ViệtNamsau khi hoàn thành công việc ở nước ngoài về.
Cần có kế hoạch tổng thể
Mặc dù Đề án này đang dự thảo xong theo đánh giá của các chuyên gia, về lý thuyết, đây là cơ hội rất tốt cho lao động Việt Nam bởi hiện có rất nhiều nước chưa có chính sách tiếp nhận lao động phổ thông, mà chỉ ưu tiên tiếp nhận lao động có trình độ chuyên môn. Tuy nhiên các nước đang ngày càng khắt khe hơn, yêu cầu chất lượng, tay nghề lao động cao hơn…
“Do đó, người lao động có ý định ra nước ngoài làm việc, ngoài sức khỏe cần phải chuẩn bị thêm những kỹ năng cần thiết từ ngoại ngữ đến chuyên môn nghề nghiệp, tác phong trong công việc… Không chỉ người lao động, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cũng cần phải đầu tư nhiều hơn cho cơ sở đào tạo, qua đó sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khắt khe từ những thị trường khó tính, đối tượng đưa đi làm việc ở nước ngoài không phải là thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp. Dự án nhằm đưa lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có thể là lao động được đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề, đại học hoặc trình độ cao hơn, nhưng phải là lao động được đào tạo ở những lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật, không phải chuyên ngành xã hội”, ông Tống Hải Nam nhấn mạnh.
Nhìn ở góc độ doanh nghiệp chuyên xuất sang thị trường Nhật Bản, một đại diện doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho rằng: “Để đạt lao động trình độ cao, người lao động phải chứng minh có đủ sức khỏe để làm việc, có tay nghề và giao tiếp được với họ. Quy trình xét duyệt không chỉ nằm trên giấy mà họ cẩn thận sang hẳn ViệtNamđể tuyển chọn trực tiếp từng người, kiểm tra thông tin và tay nghề lao động. Bên cạnh kiến thức chuyên môn là trình độ ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Điều này lao động ViệtNam rất thiếu. Do đó, tiêu chí tuyển chọn và đào tạo cũng được nâng lên”.
Đơn cử như thị trường Nhật Bản, lương cơ bản của lao động làm việc tại Nhật Bản thông thường từ 25 – 30 triệu đồng/tháng, trừ sinh hoạt có thể tích lũy được khoảng 20 triệu đồng (chưa tính làm thêm). Đối với diện kỹ sư, kỹ thuật viên mức thu nhập có thể đạt tới 45 triệu đồng/tháng. Nhưng theo ôngNam, điều cản trở lao động ViệtNamtrong đó có cả lao động có trình độ sang Nhật là tiếng Nhật.
“Đề án đưa lao động có trình độ sang một số thị trường là đề án tạo nền tảng tốt khi Việt Nam dư thừa lao động đã qua đào tạo. Tuy nhiên, điều cần thiết là bên cạnh mở ra cánh cửa này thì Bộ cũng nên đưa ra các cơ chế khuyến khích, các giải pháp tài chính, hỗ trợ, đào tạo kỹ năng… thì đề án mới thực sự thu hút được sinh viên tham gia”, bà Trần Thị Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty Bách nghệ toàn cầu cho biết.
Còn theo đại diện Hiệp hội xuất khẩu lao động, muốn triển khai Đề án thì trước mắt cần phải thực hiện việc đánh giá nhu cầu thị trường cần tuyển lao động có trình độ kỹ thuật cao thuộc lĩnh vực vào. Thực tế, dù có con số thống kê có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp nhưng chưa có con số thống kê chính thức nào cho thấy những cử nhân này thuộc ngành nào nhưng theo khảo sát thì đa phần thuộc chuyên ngành xã hội, trong khi nhu cầu của các nước cần nhóm ngành kỹ thuật.
XC/Báo Tin Tức
Ý kiến ()