Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 07:54 (GMT +7)
Xuất khẩu dệt may có thể đạt khoảng 30,5 tỷ USD trong năm 2017
Thứ 4, 13/09/2017 | 11:44:00 [GMT +7] A A
Xuất khẩu dệt may có thể đạt khoảng 30,5 tỷ USD trong năm 2017.
May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Hansol Vina, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên (Bắc Giang). Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Đây là thông tin do ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đưa ra tại Ngày hội COTTON DAY, do VITAS phối hợp với Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, chiều 12/9.
Theo ông Vũ Đức Giang, nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp và ngành dệt may, trong 8 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu dệt may đã có sự tăng trưởng khá tốt, kim ngạch xuất khẩu tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 19,8 tỷ USD. Hiện xuất khẩu dệt may sang Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất của ngành, lên đến khoảng 51% thị phần xuất khẩu.
Tuy vậy, ngành kéo sợi Việt cũng đang phải nhập khẩu bông từ Mỹ tới 60% tổng nhu cầu. Diện tích trồng bông ở Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng thu hẹp, chỉ đáp ứng 0,04% trong tổng nhu cầu của toàn ngành. Trong khi đó, bông Mỹ được đánh giá có chất lượng tốt nhất cho ngành kéo sợi Việt Nam, do có ít tạp chất và được kiểm soát chặt về quy trình sản xuất.
Với mối quan hệ tương hỗ giữa ngành công nghiệp dệt may Việt Nam và bông Mỹ, ông Giang cho rằng, sự kiện Ngày hội COTTON DAY được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam là cơ hội để ngành bông Mỹ đánh giá tiềm năng, tầm quan trọng của ngành kéo sợi Việt Nam. Từ đó, có các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ Mỹ có chính sách hỗ trợ cho ngành kéo sợi, dệt may Việt Nam. Nhất là những kiến nghị về việc thành lập kho ngoại quan mặt hàng bông sợi tại TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
“Điều này sẽ góp phần tạo cơ hội thuận lợi cho các kéo sợi Việt Nam có thể tiếp cận sản phẩm bông Mỹ tốt hơn, có thời gian mua hàng ngắn hơn, đỡ áp lực về mặt tài chính… Những cơ hội này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro, vướng mắc như trường hợp một số hợp đồng thương mại trong 2 năm gần đây”, ông Giang cho biết.
Theo ông William Bettendorf, Tổng Giám đốc CCI, việc CCI lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức Ngày hội COTTON DAY, là do trong những năm gần đây, ngành dệt may Việt Nam đã có những tăng trưởng đột phá, trở thành ngôi sao sáng trong ngành dệt may thế giới.
Hiện Việt Nam là khách hàng lớn nhất của ngành bông sợi Mỹ. Năm 2017 cũng là năm đầu tiên CCI tiến hành hỗ trợ các nhãn hàng thời trang Việt Nam sử dụng bông Mỹ để mang các sản phẩm có chất lượng đến người tiêu dùng.
Việc sử dụng nhãn treo nguyên liệu COTTON USA™ sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết sản phẩm đạt chất lượng, cũng như gặp nhiều thuận lợi hơn khi xuất khẩu sản phẩm dệt may vào Mỹ.
Trong khuôn khổ Ngày hội COTTON DAY, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng có dịp tìm hiểu, cập nhật tình hình quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Mỹ, những ảnh hưởng từ chính sách thương mại mới của Mỹ đến Việt Nam, xu hướng mua hàng mới của các thương hiệu nổi tiếng…
Ý kiến ()