Thứ Tư, 27/11/2024 13:30 (GMT +7)

‘Xuất khẩu gạo phải tốn không dưới 20.000 USD’ là thông tin bịa đặt

Thứ 7, 18/03/2017 | 09:29:00 [GMT +7] A  A

Thời gian qua, một số báo đăng tải ý kiến phản ánh việc xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn không dưới 20.000 USD. Qua điều tra, Bộ Công Thương khẳng định, thông tin này là bịa đặt và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành Công Thương.

Dây chuyền lau bóng gạo, xay lúa và sấy lúa với công nghệ hiện đại của Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu Kiên Giang. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Theo Văn phòng Bộ Công Thương, ngày 23/2/2017, một số báo điện tử có đăng tải ý kiến phát biểu của ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC tại Tọa đàm về đề xuất sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo tổ chức chiều 22/2/2017 tại TP HCM như sau: “Ông Nam thông tin, mỗi lần xin phép thì tốn mấy chục nghìn USD, không dưới 20.000 USD”, “Lý do là mỗi lần xin là mấy chục ngàn đô, rất lãng phí … Chủ trì tọa đàm hỏi về chi phí xin giấy phép và được vị đại diện này khẳng định “không dưới 20.000 USD”.

Bộ Công Thương đánh giá thông tin này là hết sức nghiêm trọng. Vì vậy, ngay sau khi nhận được thông tin do báo chí phản ảnh, bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị liên quan trong Bộ giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Đoàn xác minh do Thanh tra Bộ chủ trì để khẩn trương xác minh, kiểm tra và làm rõ theo tinh thần nghiêm túc, công khai và cầu thị.

Vào hồi 8 giờ ngày thứ Bảy, 25/2/2017, tại trụ sở Công ty TNHH ADC, địa chỉ số 93 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM, Đoàn xác minh của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Công ty ADC.

Tham dự buổi làm việc có Chánh Thanh tra Bộ Công Thương cùng cán bộ có trách nhiệm. Về phía Công ty ADC có ông Ngô Văn Nam – Tổng giám đốc và Trưởng phòng kinh doanh của Công ty.

Ông Ngô Văn Nam cho biết, tại buổi Tọa đàm chiều 22/2/2017 ông có phát biểu ý kiến nhưng báo chí đã phản ánh không chính xác. Ông khẳng định ông và Công ty ADC chưa bao giờ gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo tới Bộ Công Thương và cũng chưa khi nào liên hệ hoặc làm việc với bất kỳ đơn vị/cá nhân nào tại Bộ Công Thương.

Cùng đó, ông Nam và công ty cũng chưa bao giờ đưa tiền cho bất kỳ ai để xin cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo. Ngoài ra, ông Nam lấy làm tiếc vì việc phát ngôn tại buổi Tọa đàm đã gây ra sự hiểu lầm và làm ảnh hưởng đến Bộ Công Thương. Ông khẳng định đã và đang trao đổi lại với một số cơ quan báo chí để đề nghị làm rõ lại các nội dung báo đăng.

Với tư cách cá nhân, ông Nam hứa sẽ có trách nhiệm giải thích với các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan báo chí về việc đăng tải thông tin không đúng thực tế.

Rà soát nội bộ của Bộ Công Thương cũng cho thấy: Bộ Công Thương không nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như bất kỳ yêu cầu nào về kinh doanh xuất khẩu gạo của Công ty TNHH ADC. Công ty này cũng chưa bao giờ tiếp xúc, liên hệ, trao đổi với các đơn vị chức năng liên quan của Bộ Công Thương về vấn đề xuất khẩu gạo.

Liên quan tới thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, có thể thấy các điều kiện đã được quy định rất rõ tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, với các tiêu chí cụ thể, có thể định lượng được và đặc biệt, việc kiểm tra, xác nhận các điều kiện này đã được phân cấp rõ ràng.

Cụ thể, các cơ quan chức năng của địa phương mới là nơi thực hiện công tác kiểm tra, xác nhận điều kiện kho chứa, cơ sở xay xát của doanh nghiệp. Trong trường hợp địa phương đã xác nhận là đủ điều kiện thì Bộ Công Thương không có quyền từ chối cấp phép cho doanh nghiệp.

Vì vậy, Bộ Công Thương khẳng định việc ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC phát biểu tại Tọa đàm là phải mất hàng chục ngàn đô la để được cấp phép xuất khẩu gạo là hoàn toàn không đúng sự thật.

Việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Bộ Công Thương nên Bộ đã yêu cầu ông Ngô Văn Nam giải thích lại với báo chí và ông Nam đã nhận lời.

Văn phòng Bộ Công Thương cho biết thêm: Trước khi Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo được ban hành, các doanh nghiệp được tự do tham gia xuất khẩu gạo. Hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo vào thời điểm đó đã xuất hiện một số bất cập như không gắn với sản xuất trong nước; doanh nghiệp xuất khẩu không có trách nhiệm đối với việc tiêu thụ lúa gạo cho nông dân; đa số doanh nghiệp không có kho chứa, cơ sở xay xát, sấy và bảo quản để mua và trữ thóc, gạo, chỉ khi ký được hợp đồng mới tổ chức gom hàng, dẫn đến thiếu chủ động trong việc thu mua lúa gạo, ảnh hưởng đến hiệu quả xuất khẩu chung.

Nghị định số 109/2010/NĐ-CP được ban hành với mục tiêu tổ chức lại khâu xuất khẩu, đưa ra các điều kiện tối thiểu để giúp sàng lọc và định hướng thương nhân đầu tư, gắn bó lâu dài với sản xuất, xuất khẩu gạo. Sau một thời gian áp dụng, hệ thống kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo, năng lực sấy lúa của các doanh nghiệp đã được cải thiện rõ rệt, tới nay về cơ bản đáp ứng được nhu cầu chế biến, bảo quản lúa, gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Các thương nhân được phép kinh doanh xuất khẩu gạo đã nỗ lực thực hiện trách nhiệm tổ chức thu mua, chuẩn bị nguồn hàng cho xuất khẩu, liên kết chuỗi được tăng cường, sản xuất từng bước được gắn với tiêu thụ, chất lượng gạo xuất khẩu, vì vậy, cũng được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, việc thực hiện Nghị định 109/2010, theo thời gian, cũng đã bộc lộ một số bất cập.

Tiếp nhận các ý kiến phản ảnh của người dân và doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã chủ động đánh giá tình hình thực thi Nghị định 109/2010 và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định.

Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định, Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong phạm vi thẩm quyền, đã ban hành Quyết định bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cấp bách cho doanh nghiệp.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương dự thảo phương án sửa đổi Nghị định 109/2010. Tất cả các ý kiến góp ý đã và đang được Bộ Công Thương tiếp thu nghiêm túc.

Theo Bộ Công Thương, mục tiêu hướng đến của Nghị định là cố gắng đạt được sự cân bằng hợp lý giữa một bên là nhu cầu kiện toàn tổ chức xuất khẩu theo hướng lành mạnh, gắn sản xuất với tiêu thụ, ổn định đầu ra cho lúa gạo trong bối cảnh thị trường thế giới đang có sự cạnh tranh gay gắt, với một bên là nhu cầu phát huy tính sáng tạo, linh hoạt của các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phù hợp với định hướng kiến tạo của Chính phủ và tinh thần tự do kinh doanh của Hiến pháp.

Đây là mục tiêu không dễ dàng, đòi hỏi phải có sự tham khảo thấu đáo ý kiến của tất cả các bên liên quan và đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo. Theo hướng đó, Bộ Công Thương sẽ đăng tải công khai dự thảo Nghị định trên website của Bộ để xin ý kiến rộng rãi theo quy định và hy vọng sẽ nhận được ý kiến tham gia của người dân và doanh nghiệp.

Uyên Hương (TTXVN/Tin Tức)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu