7 tháng năm 2016, tăng trưởng xuất khẩu của cả nước mới chỉ bằng 1/2 so với kế hoạch đề ra từ đầu năm. Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh giá xuất khẩu suy giảm tác động trực tiếp đến các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, nhiều khả năng mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 10% trong năm nay sẽ rất khó đạt được.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng năm 2016 chỉ đạt 5,3% thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,2% của cùng kỳ năm ngoái và chỉ bằng 1/2 so với mục tiêu tăng trưởng 10% đề ra từ đầu năm. Trong đó, mặt hàng nông- lâm- thủy sản tháng 7 kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 0,1% so với tháng 6. Nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng không duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và đột biến như những năm trước. Với mặt hàng gạo thì đang thiếu những hợp đồng lớn từ các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia…
Đặc biệt, 2 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là da giày và dệt may hiện đang trong tình trạng hết sức khó khăn. Tính đến hết tháng 7/2016, xuất khẩu của ngành da giày mới đạt được 1/2 kế hoạch. Mục tiêu 17 tỷ USD trong năm nay rất khó đạt được, nếu không có những giải pháp đột phá. Còn với ngành dệt may chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2016 đơn hàng không tăng giá cũng như không có đơn hàng cao giá và thậm chí đơn hàng di chuyển quá nhanh.
“Nhiều đơn hàng đã về đến Việt Nam nhưng cuối cùng đối tác lại quyết định không đặt hàng, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hơn nữa, tác động của tiền lương tối thiểu năm 2016 đã tác động đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Chính vì vậy, sức khỏe của doanh nghiệp không có khả năng để thích ứng cho quá trình đầu tư mở rộng. Điều này dẫn đến không tuyển dụng thêm được lao động. Nhiều doanh nghiệp trước đây ổn định lao động tốt, nhưng 6 tháng đầu năm nay bị biến động lao động”, ông Giang cho biết.
Theo nhận định của Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay phải “chiến đấu” rất chật vật để có thể tiếp cận các thị trường nước ngoài, vì một số nước đã phá giá đồng tiền cho nên giá cả các mặt hàng của họ rẻ hơn của nước ta rất nhiều. Ví dụ giá tôm, cá của Indonesia và Malaysia rẻ hơn của Việt Nam do đồng bạc mất giá.
Để khắc phục khó khăn, trước mắt, cần tiếp tục hỗ trợ cho các mặt hàng nông sản và thủy sản xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu; Chú trọng việc nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chấm dứt tình trạng xuất khẩu tôm có hàm lượng thuốc kháng sinh cao, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của thủy sản Việt Nam. Với các mặt hàng đang có xu hướng chững lại như dệt may, da giày, túi xách cần đẩy mạnh hợp tác, kết nối và giảm tối đa các chi phí không cần thiết như chi phí vận tải, phí BOT.
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng: “Doanh nghiệp cần phải tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nhập khẩu ở các nước khác, từ đó tạo ra chuỗi giá trị và các doanh nghiệp cần ký hợp đồng ổn định, dài hạn. Việt Nam đang có cơ hội để hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để có thể tăng thêm mặt hàng xuất khẩu và doanh số xuất khẩu, bằng cách bảo đảm chất lượng và sản xuất ra những mặt hàng phù hợp với các thị hiếu của người tiêu dùng”.
Xuất khẩu đóng góp tới 60% vào GDP mỗi năm. Nếu như lĩnh vực này sụt giảm, sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% mà quốc hội đề ra trong năm 2016.
Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thời gian về đích của các ngành hàng không còn nhiều. Từ nay đến cuối năm và những năm tới, chiến lược tổng thể mấu chốt vẫn là thực hiện tái cơ cấu kinh tế nhanh hơn để rút ngắn quá trình chuyển sang mô hình tăng trưởng mới, phát triển mạnh theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững.
“Tôi kỳ vọng vào việc cố gắng làm sao thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy tác dụng của mình. Nông nghiệp và các hộ nông dân phải cố gắng để khắc phục những khó khăn về hạn hán, ngập mặn để có thể đón nhận những điều kiện thuận lợi hơn cho vụ mùa sắp tới. Nông nghiệp phải là động lực quan trọng để khôi phục lại tăng trưởng ở mức cao hơn”, ông Lưu Bích Hồ lưu ý.
Với mục tiêu phấn đấu để kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 10% đang ngày càng khó khăn. Điều này đang rất cần sự đồng thuận cao của các hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương mới có thể đạt được./.
Ý kiến ()