Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:02 (GMT +7)
Xuất khẩu nông sản Tây Nguyên bấp bênh – Tăng cường liên kết, sản xuất bền vững
Thứ 6, 18/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Xuất khẩu cà phê và trà của Tây Nguyên trong những năm qua luôn bị các đối tác nước ngoài chèn ép cả về giá lẫn sản lượng. Trong đó, có nguyên nhân lớn từ việc sản xuất các mặt hàng này còn thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân.
Tăng chất lượng cà phê
Tây Nguyên có diện tích cà phê lớn nhất nước ta với hơn 550.000ha và sản lượng đạt hơn 1,2 triệu tấn cà phê nhân/năm, chiếm hơn 90% diện tích và sản lượng của cả nước. Trong những năm qua, Tây Nguyên đóng vai trò chủ yếu trong việc đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới (chỉ sau Brazil). Nhưng việc xuất khẩu vẫn còn bấp bênh cả về giá cả lẫn sản lượng. Để khắc phục thực trạng này, Tây Nguyên cần phải hướng tới việc sản xuất cà phê bền vững.
Nhằm hạn chế việc phát triển diện tích cà phê tăng ồ ạt, vào năm 2008, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt đề án sản xuất cà phê bền vững với mục tiêu ổn định diện tích đến năm 2015 trong khoảng 180.000ha (sản lượng 450.000 tấn) và đến năm 2020 còn 170.000ha (sản lượng 430.000 tấn). Nhưng hiện nay, diện tích trồng cà phê ở tỉnh “thủ phủ” của Tây Nguyên đã trên 200.000ha, vượt hơn 20.000ha so với đề án này. Trong khi đó, khâu thu hoạch và chế biến cà phê nơi đây cũng thiếu bền vững. Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho biết: Tình trạng người dân thu hoạch cà phê xanh, cà phê non diễn ra thường xuyên và thiếu công nghệ phơi sấy tiên tiến, đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hạt cà phê. Vì thế, sản phẩm cà phê nhân sản xuất nhỏ lẻ trong dân không được DN trong nước và nước ngoài thu mua giá cao. Thực trạng này diễn ra suốt nhiều năm qua ở khu vực Tây Nguyên chứ không riêng gì Đắk Lắk.
Để tăng chất lượng cho hạt cà phê, Đắk Lắk đã đi đầu khu vực Tây Nguyên trong việc áp dụng nhiều mô hình sản xuất cà phê có chứng nhận. Niên vụ 2014-2015, diện tích cà phê có chứng nhận UTZ, 4C, RFA và FLO của tỉnh đạt 102.152ha (chiếm 50,1% diện tích cà phê toàn tỉnh), tăng 34.344ha so với niên vụ trước. ‘’Nhìn chung, các loại hình chứng nhận này đều hướng tới phát triển cà phê bền vững và cải thiện kinh tế thông qua việc đầu tư, tác động phù hợp trên vườn cây nhằm đảm bảo sự bền vững về năng suất, chất lượng và môi trường. Vì vậy, người sản xuất cà phê ngày càng nhận thức rõ hơn khi áp dụng việc sản xuất cà phê có chứng nhận để nâng cao giá trị gia tăng mặt hàng cà phê trong hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu’’, ông Huỳnh Quốc Thích chia sẻ.
Thêm diện tích trà sạch
Để tránh tình trạng sản phẩm trà bị những rào kỹ thuật ngăn cản, một số DN trà tại Lâm Đồng đã tự vận động để tồn tại, trong đó có mục tiêu hướng tới sản xuất trà sạch. Ông Bùi Quang Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Sản xuất – Xuất nhập khẩu Trí Việt, cho biết: Để ổn định tình hình sản xuất và tiêu thụ trà, ngay từ đầu năm nay, công ty đã liên kết với các hộ nông dân trồng hơn 10ha trà Ô long theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, quy trình trồng, chăm sóc được giám sát chặt chẽ bởi các kỹ sư của công ty, toàn bộ diện tích không sử dụng thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng thuốc sinh học; đồng thời cũng thay thế phân bón hóa học bằng các loại phân vi sinh và bù lại người trồng liên kết sẽ được công ty bao tiêu sản phẩm.
Trà Ô long được sấy khô trước khi đóng gói
Bằng cách làm này, hàng tháng công ty xuất khẩu đều đặn 10 – 12 tấn trà Ô long thành phẩm tiêu chuẩn VietGAP, còn số lượng thu mua bên ngoài của những hộ dân không liên kết buộc phải ngưng vì không thể kiểm soát được chất lượng đầu vào. ‘’Nếu mô hình trồng trà sạch được triển khai rộng rãi, uy tín và chất lượng đồng đều, sẽ từng bước nâng cao giá trị trà Việt Nam. Hiện chúng ta trồng trà theo kiểu mạnh ai nấy làm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan không theo quy chuẩn nào, nên khi một lô hàng có vấn đề thì cả hệ thống sẽ bị ảnh hưởng’’, ông Bùi Quang Đức cho hay.
Trong khi đó, ông Đoàn Trọng Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết: “Vừa qua, Hiệp hội Chè Việt Nam đã thống nhất với mục tiêu để phát triển cây trà bền vững, trong đó có khâu tuyên truyền rộng rãi với người trồng trà chỉ sử dụng thuốc khi vườn trà có bệnh, phun đúng liều lượng, tiến tới loại bỏ dần việc xịt thuốc bảo vệ thực vật. Bình thường người dân trồng trà cứ thu hái xong là phun, phun xong đếm số ngày rồi hái tiếp, như thế sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về dư lượng thuốc. Đối với các doanh nghiệp thu mua, chế biến cần thiết phải có mối liên kết chặt chẽ, lâu bền với người nông dân, chỉ có như vậy thì đầu vào nguyên liệu sẽ được kiểm soát, tránh trường hợp trà “bẩn” lẫn vào trà sạch”.
Còn ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho hay, để việc sản xuất và tiêu thụ ổn định, dự kiến đến năm 2020, tỉnh sẽ có 50% diện tích trồng trà (tương đương 12.000ha) áp dụng công nghệ giống mới, công nghệ tưới, công nghệ sau thu hoạch, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường phong phú hơn.
CÔNG HOAN – ĐOÀN KIÊN- SGGPO
Ý kiến ()