Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:44 (GMT +7)
Xưởng bánh Tét những ngày giáp Tết
Thứ 6, 09/02/2024 | 18:36:45 [GMT +7] A A
Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày giáp Tết, cơ sở bánh tét Cô Bé, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường, để kịp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng bằng những chiếc bánh thơm ngon, đậm đà hương vị.
Trải qua 3 đời, với hơn 30 năm gìn giữ lửa nghề, bánh tét Cô Bé dần được khách hàng gần xa biết đến. Ngoài tiêu thụ nội địa, bánh còn xuất ngoại và là một trong những sản phẩm đặc trưng của Long An.
Bà Lê Thị Chính – Cơ sở bánh Tét cô Bé, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ chia sẻ: “Nghề bánh tét là nghề truyền thống của người Việt Nam mình cho nên bà nhớ mãi, nhớ hoài, năm nào bà cũng gói, mới đầu gói ít, từ từ được nhiều. Tết đến thì nhà nào cũng phải có bánh tét để cúng ông bà”.
Cơ sở gói bánh quanh năm, duy trì việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động, nhưng vào độ cuối tháng Chạp Âm lịch, xưởng bánh rôm rả hơn hẳn, nhân công thời vụ tăng lên khoảng vài chục người, trong đó có cả bà con ngoài tỉnh.
Thợ làm bánh được hỗ trợ ăn, nghỉ tại chỗ để tăng cường gói xuyên đêm, làm việc xuyên Tết mới đủ lượng bánh theo đơn đặt hàng, số lượng ước tính khoảng 5.000 đòn mỗi ngày.
Bà Lê Thị Chính bộc bạch thêm: “Bà có chút đỉnh vốn, mới làm nghề bánh tét phát triển lên, tạo công ăn việc cho người dân ở đây. Thí dụ mình có cơm ăn thì người dân ở xóm riềng đây cũng có cháo ăn”.
Để giảm sức lao động và kịp đáp ứng số lượng đơn hàng, một số công đoạn làm bánh được hiện đại hóa bằng máy móc. Riêng “bí quyết” giúp bánh thơm ngon nằm ở khâu lựa chọn nguyên liệu, xào nếp trước khi gói cho thấm đều gia vị và hấp cách thủy.
Đặc biệt, bánh sau khi để nguội sẽ qua hút chân không để bảo quản được lâu và thuận tiện khi vận chuyển đi xa. Tết đến, chiếc bánh tét truyền thống của đất trời phương Nam là lựa chọn không thể thiếu để dâng cúng ông bà, tổ tiên và dành tặng nhau như món quà ý nghĩa, ước mong một năm mới đủ đầy, no ấm./.
Thanh Thủy – Vĩnh Hưng
Ý kiến ()