Thứ Hai, 25/11/2024 11:33 (GMT +7)

19.300 người đăng ký hiến tạng sau khi chết để cứu bệnh nhân hiểm nghèo

Thứ 5, 29/11/2018 | 15:31:00 [GMT +7] A  A

Cả nước đã có 19.300 người đăng ký hiến tạng sau khi chết não. Đến ngày 31/8/2018 đã có 3.378 ca ghép tạng được thực hiện, trong đó có 3.223 ca ghép thận, 125 ca ghép gan, 26 ca ghép tim… mang lại sự sống cho nhiều người bệnh hiểm nghèo.

Đây là thông tin được đưa ra tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và chương trình “Cho đi là còn mãi” do Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 29/11, tại Hà Nội.

Các bác sỹ cúi đầu mặc niệm người hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Nhân dịp này, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia nhìn lại 5 năm hoạt động ghép tạng của nền y học Việt Nam; đồng thời ghi nhận sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ trong việc cứu chữa người bệnh, tôn vinh các cá nhân, gia đình đã tình nguyện hiến tặng mô, tạng để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều người khác.

Trong chương trình, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ghi nhận, đánh gia cao những nỗ lực, thành công của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia trong 5 năm qua. Thứ trưởng cho rằng để ngành ghép tạng, chương trình ghép tạng quốc gia thành công, phát triển cần sự nỗ lực, vào cuộc của các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị và cộng đồng người dân toàn xã hội. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến hy vọng người dân thấu hiểu rằng hiến mô, tạng là việc làm nhân đạo, góp phần cứu người bệnh hiểm nghèo để tích cực, sẵn sàng hiến mô, tạng khi bị chết não.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến mong rằng Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tiếp tục nỗ lực; có thông điệp cụ thể, mạnh mẽ để cộng đồng cùng tham gia, ủng hộ chương trình; có thêm nhiều cơ sở điều phối như Trung tâm để những người có nhu cầu tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng.

Chương trình “Cho đi là còn mãi” góp phần tổng kết hành trình 5 năm hành động của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. Cùng với đó là cuộc gặp gỡ, giao lưu với các nhân vật đã, đang tham gia vào những câu chuyện có ý nghĩa để lan tỏa những hành động tốt đẹp trong cộng đồng…

Năm 2013, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia ra đời trong bối cảnh nền y học nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu về ghép tạng, tuy nhiên quan điểm về hiến mô, tạng tại Việt Nam còn hạn chế, nhiều người vẫn hồ nghi và sợ hãi khi nhắc đến lĩnh vực này. Sau 1 năm hoạt động, Trung tâm vận động được hơn 200 người hiến mô, tạng sau khi chết não, trong đó chủ yếu là lãnh đạo, cán bộ Trung tâm, bạn bè, người thân và một số y, bác sĩ. Năm 2017, Trung tâm đã vận động được thêm nhiều người tiếp cận với câu chuyện hiến tặng mô, tạng; đưa tổng số người đăng ký hiến tặng mô tạng lên tới 12.000 người.

Bước sang năm 2018, từ sự kiện bé Hải An hiến tặng giác mạc, đã có hàng ngàn người đến Trung tâm đăng kí sẵn sàng hiến mô, tạng sau khi chết não. Hàng loạt trường hợp như Thiếu tá Lê Hải Ninh, bé Vân Nhi, anh Nguyễn Ngọc Khiêm hay kỹ sư Nguyễn Xuân Hải… ra đi và gia đình đã trao tặng lại mô, tạng của họ để cứu sống nhiều người bệnh đang mắc bệnh hiểm nghèo.

Cũng trong năm 2018, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam để vận chuyển miễn phí mô, tạng, tạo điều kiện tối đa cho các bác sĩ trên các chuyến bay để kịp thời cứu chữa người bệnh đang chờ ghép tạng. Từ ngày 20/7 tới nay đã có 6 ca điều phối tạng xuyên Việt được thực hiện từ chương trình hợp tác này.

Nhân dịp này, 2 cá nhân và tập thể cán bộ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ tặng tặng Bằng khen.

Theo Mỹ Bình (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu