Thứ Bảy, 23/11/2024 02:19 (GMT +7)

90% số bệnh viện tuyến Trung ương không còn tình trạng nằm ghép

Thứ 5, 25/02/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Các y, bác sỹ của bệnh viện điều trị, chăm sóc bệnh nhân. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết nhờ thực hiện quyết liệt Đề án bệnh viện vệ tinh, đến nay 90% số bệnh viện tuyến Trung ương không còn tình trạng nằm ghép, hoặc có thể giải quyết nhanh trong thời gian 24-48 giờ. 10% số bệnh viện tuyến Trung ương còn tình trạng nằm ghép nhưng chỉ là ghép đôi.

Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về giảm quá tải bệnh viện, ngành y tế đã ghi nhận nhiều thay đổi trong giảm quá tải bệnh viện cùng với chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao, sự hài lòng của người bệnh từng bước được cải thiện.

Ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp như nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng để tăng số giường bệnh, phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh, phòng khám bác sỹ gia đình, tăng cường công tác quản lý chuyên môn, kỹ thuật… gắn liền với nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Giảm tải hiệu quả nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp

Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết trong giai đoạn 2011-2016, Bộ Y tế đã coi chống quá tải bệnh viện là nội dung ưu tiên hàng đầu trong chương trình công tác, đồng thời đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Ngành tập trung nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng và tăng giường bệnh; thành lập và phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh; xây dựng và phát triển mạng lưới Phòng khám bác sỹ gia đình; hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường công tác quản lý chuyên môn, kỹ thuật và tăng cường thông tin, truyền thông.

Tính đến đầu năm 2016, cả nước có 1.300 bệnh viện, trong đó có 119 bệnh viện được xây mới, hơn 1.800 khoa phòng được mở rộng, xây mới, với tổng số 288.000 giường bệnh, đạt 31,4 giường bệnh thực kê/vạn dân.

Trong các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 (Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09/01/2013), trong đó tập trung vào 5 chuyên khoa hiện đang quá tải trầm trọng (sản, nhi, ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình) và đẩy mạnh việc triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh…

Với mục tiêu nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên, sau 3 năm Đề án đã thiết lập mạng lưới bệnh viện hạt nhân-bệnh viện vệ tinh gồm 15 bệnh viện hạt nhân (là bệnh viện tuyến trên có đủ năng lực) được giao nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật cho 53 bệnh viện vệ tinh thuộc 38 tỉnh, thành phố (là bệnh viện tuyến tỉnh tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện hạt nhân thuộc 5 chuyên khoa: tim mạch, ngoại chấn thương, ung bướu, sản, nhi).

Trong thời gian này, các bệnh viện hạt nhân đã tổ chức 386 lớp đào tạo cho trên 7.000 cán bộ y tế; chuyển giao 791 kỹ thuật, trong đó chuyên ngành tim mạch giảm tỷ lệ chuyển tuyến tới 98,5% so với trước khi triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh; chuyên ngành ung thư giảm tỷ lệ chuyển tuyến đạt tới 97% so với trước khi triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh; chuyên ngành ngoại khoa giảm tỷ lệ chuyển tuyến tới 98,5% ; chuyên ngành sản khoa giảm tỷ lệ chuyển tuyến tới 99%; chuyên ngành nhi khoa giảm tỷ lệ chuyển tuyến tới 73% so với trước khi triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh.

“Việc triển khai 240 phòng khám bác sỹ gia đình cũng góp phần không nhỏ cho việc giảm quá tải bệnh viện cho các bệnh viện tuyến Trung ương,” phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê chia sẻ.

Cải tiến quy trình khám bệnh để giảm thời gian chờ đợi

Xác định cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh, đáp ứng sự hài lòng người bệnh là mục tiêu quan trọng của ngành y tế, ngày 22/4/2013 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1313/QĐ-BYT về việc hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện nhằm rút gọn thời gian chờ đợi khám, chữa bệnh, giảm thủ tục cho người bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh theo Quyết định 1313/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế cho thấy 100% các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức triển khai thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh. Với việc thống nhất quy trình khám bệnh, cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp liên hoàn… đã giúp rút ngắn thời gian khám bệnh của người bệnh khám ngoại trú trung bình trên toàn quốc đạt 48,5 phút trên một lượt khám bệnh.

Mỗi người đi khám bệnh, trung bình sẽ có 1 người đi cùng, như vậy việc rút ngắn thời gian khám bệnh mỗi năm sẽ tiết kiệm hay có thể nói là bổ sung thêm ít nhất 27,2 triệu ngày công lao động cho xã hội thay vì số thời gian này bị “nằm chết” do phải chờ đợi khám bệnh kéo dài của người bệnh và người thân. Như vậy, tính cả lợi ích từ tiết kiệm nhân lực, tổng số thời gian tiết kiệm được từ cải tiến quy trình khám bệnh mỗi năm đạt khoảng 3,3 triệu ngày công lao động.

(Ảnh: TTXVN)

Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết cùng với đổi mới về cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, thay đổi bộ mặt khoa khám bệnh, ngành còn tập trung vào đổi mới về quản lý như thiết lập hệ thống quản lý chất lượng tại tất cả các bệnh viện, đổi mới về kiến thức thông qua việc học tập các nước tiên tiến, đổi mới về quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm của chăm sóc và điều trị, đổi mới về đánh giá chất lượng theo 83 tiêu chí mới, tiếp cận với cách đánh giá chất lượng bệnh viện của thế giới và đổi mới về phong cách phục vụ người bệnh, trang phục nhân viên y tế…

Trong năm 2016, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quả tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Đây cũng là một trong 9 nhiệm vụ quan trọng mà ngành y tế xác định trong giai đoạn 2016-2020./.

(TTXVN/VIETNAM )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu