Tất cả chuyên mục

Thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp hay tại nhà hàng, trường học,... nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng. Nhận thức vấn đề quan trọng này, thời gian qua, tỉnh Long An thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm siết chặt quản lý, nâng cao ý thức của các cơ sở sản xuất, từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, hướng đến xây dựng môi trường ăn uống an toàn và văn minh.
Nâng cao trách nhiệm, vai trò quản lý
Vào mỗi buổi trưa, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, hàng ngàn công nhân vội vã đến các bếp ăn tập thể. Cùng thời điểm đó, dọc các tuyến đường, những xe hàng rong, quán ăn cũng nhộn nhịp không kém. Điều đáng lo ngại đặt ra là vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong những bữa ăn này.
Theo số liệu thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, toàn tỉnh hiện có 6.404 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trong đó có 2.725 kinh doanh thức ăn đường phố), 665 bếp ăn tập thể và 209 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Nếu không chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTP thì nguy cơ ngộ độc luôn tiềm ẩn.
Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP - Huỳnh Minh Phúc cho biết: “Thời gian qua, UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý ATTP, đặc biệt trong Tháng hành động Vì ATTP, dịp tết và mùa lễ hội. Hiện Sở Y tế chủ trì phối hợp triển khai Tháng hành động Vì ATTP năm 2025 với chủ đề “Bảo đảm ATTP, trong đó chú trọng ATTP bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”. Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP phối hợp chặt chẽ các lực lượng như y tế, quản lý thị trường, công thương, nông nghiệp,... tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra hàng loạt bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống”.
Đây là hoạt động nhằm tăng cường và nâng cao trách nhiệm, vai trò quản lý của UBND các cấp và các cơ quan chức năng liên quan; trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo đảm chất lượng, ATTP.
Các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các kiến thức, quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP đến người dân; tăng cường truyền thông, quảng bá sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh treo băng rôn tuyên truyền tại các tuyến đường chính và chợ, khu vực tập trung các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, nhiều đơn vị còn tổ chức tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, hướng dẫn nhận diện thực phẩm an toàn. Các trang thông tin điện tử của ngành Y tế và các ngành liên quan cũng chia sẻ những thông điệp bảo đảm ATTP. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên chọn nơi có giấy chứng nhận ATTP, quan sát quy trình chế biến và tẩy chay các hàng quán mất vệ sinh.
Từ trách nhiệm đến hành động
Nhờ siết chặt quản lý ATTP, nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, nhất là các doanh nghiệp cung cấp suất ăn sẵn đã chủ động nâng cao chất lượng bữa ăn.
Giám đốc Bộ phận nhân sự và An toàn vệ sinh lao động Công ty (Cty) TNHH Jia Hsin (Khu công nghiệp Cầu Tràm, huyện Cần Đước) - Nguyễn Thị Kim Anh cho biết: “Mỗi ngày, Cty cung cấp khoảng 6.000 suất ăn cho người lao động. Chúng tôi chọn nhà cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào có chứng nhận an toàn. Cty đều lưu mẫu thức ăn theo quy định. Khu vực bếp ăn được vệ sinh kỹ lưỡng và kiểm tra định kỳ. Nhân viên bếp ăn được chú trọng tập huấn kiến thức về ATTP và khám sức khỏe định kỳ vì bảo đảm ATTP cho người lao động là yếu tố quan trọng, góp phần giữ gìn sức khỏe người lao động, tăng năng suất làm việc và hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp”.
Cùng với bếp ăn tập thể, các quán ăn, nhà hàng, điểm kinh doanh thức ăn đường phố cũng nâng cao ý thức trong việc bảo đảm ATTP.
Anh Nguyễn Văn Phú - chủ một quán ăn ở TP.Tân An, cho biết: “Trước đây, tôi cứ nghĩ thực phẩm sạch và khách ăn ngon miệng là được. Sau khi được ngành chức năng hướng dẫn, tôi đi khám sức khỏe định kỳ, ký giấy cam kết bảo đảm ATTP và biết cách lưu mẫu thực phẩm theo quy định. Từ đó, khách hàng đến ăn cảm thấy an tâm hơn, uy tín của quán cũng được nâng lên”.
Phần lớn người kinh doanh thức ăn đường phố hoạt động nhỏ, lẻ, mang tính tự phát, ít tiếp cận thông tin chính thống về ATTP. Vì mưu sinh, nhiều người vô tình xem nhẹ hoặc bỏ qua các nguyên tắc vệ sinh trong chế biến, bảo quản và phục vụ. Vì vậy, ngoài tập trung kiểm tra, xử phạt, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nhằm từng bước thay đổi nhận thức để người kinh doanh hiểu rằng, bảo đảm ATTP không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cách giữ chân khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Hiền (phường 3, TP.Tân An) chia sẻ: “Qua tuyên truyền, vận động, tôi chủ động ký cam kết bảo đảm ATTP, cải tạo nơi bán sạch sẽ, ngăn nắp và đầu tư thêm tủ kính, xe đẩy inox đạt chuẩn để bán gà rán. Ngoài ra, tôi cũng chú trọng chọn nguyên liệu chế biến an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”.
Đối với nhà trường, bảo đảm ATTP trong các bữa ăn bán trú là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Nhà trường thực hiện nghiêm ngặt các khâu lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm, kiểm tra nguyên liệu đầu vào hàng ngày, giám sát chế biến và bảo quản thực phẩm theo đúng quy định. Bên cạnh đó, nhân viên bếp ăn đều được tập huấn kiến thức ATTP định kỳ, khám sức khỏe và ký cam kết không vi phạm”. Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Sen (phường 7, TP.Tân An) - Mai Thị Xuân Thắm Tháng hành động Vì ATTP là dịp cao điểm để các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đẩy mạnh kiểm tra, tuyên truyền và chấn chỉnh các hành vi vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong thời gian diễn ra Tháng hành động, ngành Y tế phối hợp kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, điểm kinh doanh thức ăn đường phố nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh công tác kiểm tra, chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác truyền thông bằng nhiều hình thức nhằm huy động sự chung tay của cộng đồng trong phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm”. Trưởng phòng Y tế huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Công Danh |
Người tiêu dùng thông thái
Trong bối cảnh ATTP đang là vấn đề nóng, không chỉ các cơ quan chức năng và nhà sản xuất mà ngay cả người tiêu dùng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Trở thành một người tiêu dùng thông thái không chỉ giúp bảo đảm chất lượng thực phẩm mà còn góp phần duy trì môi trường tiêu thụ thực phẩm an toàn và bền vững.
Anh Phạm Văn Minh (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Là tài xế xe tải, do tính chất công việc nên tôi thường ăn uống bên ngoài. Tôi luôn cẩn thận chọn quán sạch sẽ, có uy tín và bảng hiệu rõ ràng vì bảo vệ sức khỏe không chỉ là việc của ai khác mà là của chính bản thân mình. Tôi nghĩ, người tiêu dùng phải biết nói “không” với những món ăn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP”.
Cuộc sống hiện đại với nhịp sống hối hả khiến nhiều người có xu hướng lựa chọn các bữa ăn nhanh, tiện lợi. Tuy nhiên, chính sự tiện lợi ấy tiềm ẩn nhiều rủi ro về ATTP. Vì vậy, việc bảo đảm ATTP trong từng bữa ăn trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Sự vào cuộc của ngành chức năng, thay đổi tích cực từ người kinh doanh và sự thông thái của người tiêu dùng góp phần tạo nên thị trường thực phẩm lành mạnh, văn minh và an toàn.
Ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, mỗi người dân cần thay đổi thói quen ăn uống, ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, chế biến sạch sẽ, đừng để sự tiện lợi hay giá rẻ nhất thời mà đánh đổi sức khỏe của bản thân và gia đình./.
Ý kiến ()