Ngày 14/3 tại thủ đô Vientiane đã diễn ra Hội nghị không chính thức Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 13 (ACDFIM-13), với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc phòng vì một Cộng đồng ASEAN năng động”.
Tại Hội nghị giới chức quân sự ASEAN đã lần đầu tiên trong lịch sử cùng thống nhất đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung, điều này cho thấy sự thay đổi lập trường rất lớn của ASEAN trước những thách thức an ninh ngày một lớn trong khu vực.
Nóng bỏng vấn đề Biển Đông
Tại Hội nghị các Trưởng đoàn cho rằng, sự phức tạp của các thách thức an ninh phi truyền thống như thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người và ma túy, an ninh mạng, an ninh hàng hải, khủng bố… tiếp tục là những mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Bên cạnh đó, căng thẳng tại Biển Đông cũng đang đặt ra những thách thức cho sự ổn đinh tại khu vực.
Đại diện Lực lượng quốc phòng các nước ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết về một môi trường hòa bình tại Biển Đông nhằm thúc đẩy hòa bình, sự ổn định, tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng tại khu vực. Vì vậy, các bên cần phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam cho biết tình hình an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông đang bị thách thức bởi những hành động không tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, trực tiếp tác động tiêu cực đến cuộc sống mưu sinh của người dân và an ninh của khu vực.
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng cần tăng cường các hoạt động xây dựng lòng tin của các lực lượng quân sự hoạt động trên biển, trên không tại khu vực Biển Đông, trên cơ sở chuẩn mực quốc tế và các cam kết khu vực, đặc biệt là UNCLOS 1982 và DOC.
Đồng tình với quan điểm này, Trưởng đoàn Philippines, Trung tướng Romeo Tanalgo cho rằng một bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ làm giảm rất nhiều nguy cơ xung đột vũ trang trên Biển Đông và đưa đến giải pháp giải quyết tranh chấp trên cơ sở những luật lệ, quy định được quốc tế công nhận. Trung tướng Romeo Tanalgo cũng cho rằng, việc các quốc gia ASEAN có tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông là hết sức cần thiết.
Quyết định lịch sử
Kết thúc Hội nghị, các Trưởng đoàn đã ký Tuyên bố chung của ACDFIM-13. Bản Tuyên bố chung đề cập đến nhiều vấn đề an ninh của khu vực, trong đó có việc cần thiết phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm hoàn thành xây dựng COC để duy trì môi trường hòa bình ở Biển Đông. Đây có thể được gọi là một quyết định lịch sử bởi nó đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi thành lập, giới quân sự của ASEAN đã đưa ra được lập trường chung về vấn đề Biển Đông.
Đánh giá về Hội nghị này, Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng – Viện Trưởng Viện quan hệ Quốc tế về Quốc phòng – Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết: “Có thể nói Hội nghị không chính thức Tư lệnh quốc phòng ASEAN lần thứ 13 đã trao đổi tình hình một cách rất thẳng thắn, đánh giá khách quan về tình hình an ninh khu vực đặc biệt vấn đề nổi lên hiện nay đó là vấn đề khủng bố khu vực và vấn đề an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông…Đặc biệt Hội nghị các Tư lệnh quốc phòng ASEAN lần này đã ra được một Tuyên bố chung, nhấn mạnh các bên phải cam kết thực hiện nghiêm DOC và hướng tới COC… Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giới quân sự của ASEAN đã có một lập trường chung về vấn đề Biển Đông. Đây là nét mới nhất của Hội nghị tư lệnh quốc phòng các nước ASEAN…”
Trong bối cảnh có những quốc gia đang bất chấp dư luận thế giới, tiếp tục chà đạp lên luật pháp quốc tế, liên tục có những hành động leo thang căng thẳng tại Biển Đông, việc Hội nghị không chính thức Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 13 cùng nhất trí đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung có thể gọi là một sự “chuyển biến lớn” hết sức có ý nghĩa. Hy vọng rằng, hành động này của giới chức quân sự ASEAN sẽ góp phần đáng kể cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung./.
Ý kiến ()